Câu lạc bộ “Trái tim người lính” phương Nam: hướng đến giá trị nhân văn và lan tỏa trên phạm vi cả nước …

Chiều qua 29/1 tại trung tâm First Place quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Lễ ra mắt Ban vận động “Trái tim người lính” (Soldier’s Heart Club)  phương Nam cùng bản thảo và ấn hành cuốn sách “Trái tim người lính phương Nam”.

Buổi ra mắt ban vận động có sự chứng kiến của các cựu chiến binh, lão thành cách mạng, cơ quan báo đài, cùng nhiều khách mời và đặt biệt là sự hiện diện của các cựu binh những nhân chứng sống lịch sử trong thời chiến.

Thành viên Ban vận động “Trái tim người lính” phương Nam
Thành viên Ban vận động “Trái tim người lính” phương Nam.

Phát biểu tại lễ ra mắt Đại tá – Nhà văn – Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, người sáng lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính” cho biết: “Trái tim người lính” là một sản phẩm của thời 4.0 và doanh nghiệp “chuyển đổi số”. Câu lạc bộ muốn tận dụng sự tiếp cận và tương tác nhanh của mạng xã hội trong khi cả thế giới phòng chống dịch bệnh Covid-19, biến những hạn chế trở thành lợi thế phục vụ cuộc sống con người.

Đại tá - Nhà văn - Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng (bên trái), người sáng lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính”
Đại tá – Nhà văn – Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng (bên trái), người sáng lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính”.

Để Câu lạc bộ tiếp tục phát triển đúng hướng, mang tính nhân văn và lan tỏa trên phạm vi cả nước, ông hy vọng và mong muốn: thông qua Diễn đàn trên facebook và logo nhận diện thương hiệu chung, các Cựu chiến binh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước có thể liên lạc để được hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính” cấp cơ sở lấy tên địa phương mình để cùng “Kết nối và Chia sẻ – Tôn vinh và Tri ân”, nhằm mang lại hữu ích cho cộng đồng xã hội nói chung và Người Lính nói riêng.

Các cựu chiến binh nhân chứng sống lịch sử trong chiến tranh
Các cựu chiến binh nhân chứng sống lịch sử trong chiến tranh.

Cách đây nhiều năm, vào cuối tháng 12/2016, một nhóm cựu chiến binh, mà nòng cốt là mặt trận 6 tỉnh Biên giới phía Bắc những năm 1979 – 1989, đã bàn bạc và thống nhất thành lập Ban vận động “Trái tim người lính” nhằm kết nối và chia sẻ những buồn vui, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Ban vận động “Trái tim người lính” làm việc phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo bộ sách đồ sộ “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Điểm đặc biệt của câu lạc bộ là con dấu có logo biểu tượng nhận diện của “Trái tim người lính”: hình hoạ là 2 trái tim lồng vào nhau, với 2 màu chủ đạo là màu đỏ của máu và màu xanh áo lính. Ngoài tên tiếng Việt, còn có dòng tiếng Anh nhằm “kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía” trên khắp thế giới.

Logo Câu lạc bộ “Trái tim người lính”
Logo Câu lạc bộ “Trái tim người lính”.

Câu lạc bộ “Trái tim người lính” hiện đã có hơn 66.340 thành viên trên Facebook với nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Câu lạc bộ “Trái tim người lính” không chỉ kết nối các Cựu chiến binh từ nhiều phía, mà còn hướng tới các đối tượng là những nhà nghiên cứu, giáo viên phổ thông, những người trẻ tuổi, những người đã và đang, hoặc sẽ mặc áo lính, những người thân của lính, cùng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nhằm góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Ấn bản trái tim người lính
Sách “Trái tim người lính phương Nam” dự kiến sẽ phát hành nhân dịp kỷ niệm 30/04 sắp tới và cũng là ngày ra mắt câu lạc bộ.

Tiến tới kỷ niệm tròn 50 năm sự kiện trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và các địa phương khác tại miền Nam, theo tinh thần Hiệp đinh Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (12/03/1973 – 12/03/2023); Câu lạc bộ Trái tim người lính Phương Nam cũng đang phối hợp với một số tác giả và nhân chúng lịch sử tổ chức bản thảo và chuẩn bị xuất bản ấn phẩm về chủ đề nêu trên; đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh và tri ân các nhân chứng lịch sử; tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Sau hơn 4 năm, Câu lạc bộ “Trái tim người lính” chính thức ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Theo Nguyên Thông – Nguyễn Bình (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)