Là một trong những Diễn đàn lớn tại Việt Nam hàng năm về định hình năng lực lãnh đạo & kiến tạo tương lai, bước sang năm thứ 3, HAWEE tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện nâng tầm lãnh đạo với chủ đề “Lãnh đạo tạo đột phá, ứng biến để vươn mình” vào buổi chiều ngày 14/4/2021 tại White Palace, TP.HCM.
Mục tiêu của diễn đàn lần này nhằm cập nhật xu hướng, kiến thức mới về mô hình lãnh đạo. Mặt khác, nâng cao năng lực lãnh đạo cho các nữ doanh nhân nói riêng và các nhà quản lý nói chung.
Bám sát nhu cầu thực tiễn, chuẩn bị nền tảng ứng biến cho tương lai
Với sự mệnh kết nối và nâng tầm ảnh hưởng của nữ doanh nhân đến cộng đồng thông qua phát triển tư duy lãnh đạo, xây dựng hình ảnh cá nhân và sức mạnh nội tâm, tất cả các hoạt động của HAWEE đều xoay quanh mục tiêu này. Diễn đàn Lãnh đạo tạo đột phá, ứng biến để vươn mình xuất phát từ bối cảnh khủng hoảng toàn cầu vì Covid-19 với hàng loạt bất ổn xã hội và kinh tế.
Phiên thảo luận tại diễn đàn với các diễn giả: bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam (thứ 2 bên trái); ông Nguyễn Hoành Tiến – CEO Seedcom (thứ 2 bên phải); ông Lý Huy Sáng – Phó TGĐ Công ty gốm sứ Minh Long (bìa trái) và Điều phối phiên thảo luận là bà Huỳnh Thị Xuân Liên – PCT HAWEE, PCT VMA, Thành viên HĐQT PNJ.
Vượt qua những mất mát và thách thức trên quy mô sâu rộng, lần đầu tiên các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thay đổi mạnh mẽ từ bên trong. Đối với một số quốc gia và ngành công nghiệp, biến cố này khiến họ quay về trạng thái sống còn, trở về vạch xuất phát. Đối với một số quốc gia và ngành công nghiệp khác, biến cố này mở ra cơ hội chuyển mình để đi lên cùng xu thế và nhận thức mới toàn thể.
Việt Nam là một quốc gia may mắn khi đã rất thành công trong việc kiểm soát đại dịch và duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội hiệu quả sau đại dịch. Là 1 trong 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương năm 2020, và Top 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất năm 2021 theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong khu vực ASEAN. Có thể nói các Doanh nghiệp và nhà Lãnh đạo Việt Nam đang thực sự bứt phá nâng tầm. Họ đã và đang học tốt các bài học về sự thích nghi, ứng biến, linh hoạt, củng cố nội lực, biến nguy thành cơ, cập nhật xu hướng công nghệ, thay đổi một cách sáng tạo để vươn mình trở thành tương lai của khu vực.
“Từ đây đến 3 năm nữa tôi hy vọng các chủ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào nâng cao năng lực lãnh đạo, phát triển nội lực tổ chức thì sẽ có nhiều cơ hội đón đầu xu hướng phát triển mới, dẫn dắt tổ chức vượt thách thức để tồn tại” – bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet, Phó Chủ tịch HAWEE – một trong những diễn giả của chương trình nhấn mạnh.
Diễn đàn HAWEE Leaders Forum – Lãnh đạo tạo đột phá 2021 đem đến cho người nghe những câu chuyện về sự chuyển hóa mạnh mẽ, từ (1) Nội lực của người đứng đầu, đến (2) Mô hình & Chiến lược phát triển tổ chức ứng dụng AGILE, đến (3) Trường hợp cụ thể về cách Doanh nghiệp, Lãnh đạo và Chuyên gia tận dụng thời cơ kiến tạo nhanh, mạnh các đột phá trong tổ chức, cũng như tác động tích cực đến môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT công ty PNJ, Chủ tịch HAWEE phát biểu tại diễn đàn.
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT công ty PNJ, Chủ tịch HAWEE và là trưởng Ban Tổ chức diễn đàn cho biết, các thành viên Ban Tổ chức của chương trình đã chuẩn bị hơn 6 tháng để có thể triển khai diễn đàn này. “Chúng tôi đã thực hiện những khảo sát từ thực tiễn doanh nghiệp, xem họ chuyển mình như thế nào để ứng biến phù hợp, từ đó xây dựng một mô hình ứng biến riêng cho HAWEE và cho diễn đàn. Tôi hy vọng, các doanh nhân, người quản lý tham gia diễn đàn lần này sẽ mang về được những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích, không chỉ để ứng biến với Covid-19 mà trong tương lai, ở các hoạt động kinh doanh, đời sống, khi bất ổn xảy ra thì người lãnh đạo đã có một nền tảng để ứng biến” – bà Cao Thị Ngọc Dung bày tỏ.
Hoạt động đường dài
Các diễn giả tham gia HAWEE Leaders Forum – Lãnh đạo tạo đột phá 2021 gồm: Ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, Ông Bruce Delteil – Managing Partner Tập đoàn McKinsey Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chairwoman Unliver Việt Nam, Ông Nguyễn Hoàng Tiến – CEO Seedcom, Bà Vưu Lệ Quyên – CEO Biti’s, Bà Tiêu Yến Trinh – CEO Tanetnet; Phó chủ tịch HAWEE , Ông Lý Huy Sáng – Phó TGĐ công ty Minh Long; Bà Huỳnh Thị Xuân Liên – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Truyền thông HAWEE, Phó Chủ tịch VMA, Thành viên HĐQT PNJ; BÀ Lương Ngọc Tiên – Ủy viên ban thường Vụ, phó ban Chiến lược HAWEE, Nhà sáng lập One Life Connection.
Nếu ông Bruce Delteil từ McKinsey Việt Nam chia sẻ mô hình lãnh đạo ứng biến trong xu hướng toàn cầu, cách các doanh nghiệp thế giới điều chỉnh từ mô hình quản trị truyền thống chuyển qua quản trị linh hoạt, cung cấp cái nhìn bao quát thì các nhà quản lý còn lại đều đã có những ứng biến phù hợp, tạo đột phá cho doanh nghiệp của họ trong tình hình vô cùng khó khăn, mang đến những góc nhìn đa chiều, đa ngành, quy mô khác nhau. Có thể là cách tái cơ cấu của Unliver, cách xây dựng nhà máy tự động hóa, tinh gọn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất của Minh Long, hệ sinh thái quản trị của chuỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ tập đoàn đa ngành Seedcom… Chính câu chuyện sống động của các diễn giả, người nghe được truyền cảm hứng và đúc kết ra bài học bổ ích, giúp phát huy tiềm lực lãnh đạo và định hướng chiến lược, quản trị, định hình văn hóa doanh nghiệp của họ trong tương lai.
Thành lập vào năm 1995, trải qua 2 lần chuyển đổi, từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện đến nay Alphanam đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam, sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính, với mô hình công ty gia đình và từng là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Ở lần chuyển đổi thứ hai, ông Hải tập trung đào tạo thế hệ kế thừa, và để thế hệ này tiếp bước cống hiến cho xã hội. Bài học ứng biến của Alphanam vẫn còn nguyên giá trị. Trước khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam chia sẻ: “Ứng biến khác với thích nghi. Sự thích nghi có sự chủ động thì gọi là ứng biến, tạo đột phá để vươn mình thì sang một chủ đề cao hơn nữa. Chủ động làm thể nào vượt qua được những thách thức, vượt qua những rào cản, thậm chí vượt qua những thực trạng để chúng ta vươn lên, đòi hỏi cần phải có bản lĩnh, ý chí và đặc biệt phải có môi trường để phát triển”.
Ông Hải cũng chia sẻ thêm, việc ứng biến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. “Tuổi trẻ thì sự ứng biến sẽ nhanh, mạnh quyết liệt. Đến tuổi trung niên sẽ điềm tĩnh hơn. Người ta sẽ nhìn lại tình huống tương tự đã xảy ra để có cách đối xử thách thức mới. Giới tính cũng rất quan trọng. Nữ sẽ thích nghi ứng biến giỏi hơn nam, sự tương thích của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ Việt Nam tốt hơn bởi họ biết chấp nhận tình huống để ứng biến phù hợp với tình huống thực tế”.
Diễn đàn HAWEE thu hút nữ doanh nhân đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, hội nữ doanh nhân, CLB DN của 16 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước về tham dự.
Với ý nghĩa thực tiễn như vậy, HAWEE Leaders Forum – Lãnh đạo tạo đột phá 2021 không dừng lại trong khuôn khổ diễn đàn ngày 14/4 mà còn có thêm 4 sự kiện đào tạo với quy mô khoảng từ 100-150 người do HAWEE tổ chức sau đó. 4 sự kiện đào tạo này xoay quanh những giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường khả năng ứng biến với giá cả hợp lý, diễn ra lần lượt vào tháng 6, 8, 10, 12 tập trung vào 4 vấn đề chính được chia sẻ tại diễn đàn. Thứ nhất, giúp lãnh đạo thúc đẩy tư duy phát triển. Thứ hai, chuyển hóa cơ cấu tổ chức linh hoạt hơn để ứng biến. Thứ ba, kết nối nâng cao năng lực đội ngũ mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả. Cuối cùng là cách thức xây dựng văn hóa linh hoạt mà vẫn không mất đi tính tổ chức.
“Chúng tôi hy vọng chủ doanh nghiệp sẽ gửi thêm lãnh đạo các cấp quản lý tham gia các chương trình này nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức. Có như vậy, người lãnh đạo tổ chức, người quản lý mới có thể đồng hành xây dựng nội lực, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững” – bà Tiêu Yến Trinh, Trưởng ban chiến lược, thành viên BTC HAWEE Leaders Forum chia sẻ.
*Một số hình ảnh tại HAWEE Leaders Forum 2021:
HAWEE mang trong mình sứ mệnh “Liên kết và tạo cơ hội cho phụ nữ trao sức mạnh cho nhau để phát triển, cân bằng và tiến bộ trong đời sống bản thân, kinh doanh và gia đình”; với tầm nhìn “Trở thành tổ chức mạnh và giàu uy tín của nữ Doanh nhân TP.HCM, cộng đồng của những người bạn, người cố vấn, nơi gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau để đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho các thành viên trong công việc, đời sống và xã hội”, 3 giá trị cốt lõi Cân bằng – Hạnh phúc – Tiến bộ, và Hội hoạt động theo tôn chỉ “Lắng nghe – Chia sẻ – Tích cực – Vui tươi”. Cho đến thời điểm hiện tại, HAWEE đã tổ chức thành công 182 chương trình với hơn 20.000 lượt người tham gia qua 6 năm. Các chương trình, sư kiện tăng dần về quy mô và chất lượng. Điển hình là 8 diễn đàn lớn liên quan đến chủ đề trao quyền cho lãnh đạo nữ và phát triển bền vững, với sự có mặt của nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế, như: “Nâng tầm phụ nữ”, “Lãnh đạo thành công trong hội nhập”, “Lãnh đạo nữ vì sự phát triển bền vững”, “Phát triển kinh doanh thành công xuyên biên giới”, “Bí quyết thành công trong hội nhập”, “Văn hóa Doanh nghiệp – Nền tảng phát triển bền vững”; “Công nghiệp 4.0 -Vượt qua thách thức, Nắm bắt cơ hội; và Ứng dụng để tăng tốc”. Và để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo nữ đủ tâm và đủ tầm trong kỷ nguyên của kết nối và hội nhập toàn cầu, Hội đã triển khai “LỘ TRÌNH CHUYỂN HÓA LÃNH ĐẠO” kéo trong 3 năm vào tháng 3 năm 2019, khởi đầu bằng diễn đàn HAWEE LEADERS FORUM Lãnh đạo tạo đột phá: Khởi nguồn từ bản thân”, và hàng loạt các workshop nằm trong chương trình hướng tới nâng cao năng lực lãnh đạo thông qua các hoạt động Kiến tạo – Kết nối – Xây dựng nền tảng cho các nhà Quản lý và lãnh đạo, đó là workshop “phát triển đội ngũ nguồn nhân lực”; “phát triển tư duy lãnh đạo”; “định vị thương hiệu cá nhân”...
Thanh Thanh / Theo Tc Doanh nghiệp & Hội nhập