TTC Sugar (SBT) đã quyết tâm tiên phong “cách mạng” với nước mía. Tận dụng lợi thế của doanh nghiệp mía đường đầu ngành cả nước, SBT đã nghiên cứu và triển khai dây chuyền công nghệ tân tiến nhằm tiệt trùng hoàn toàn nước mía ép tươi và khâu đóng lon, cho phép “đóng gói” trọn vẹn 100% tinh túy từ tự nhiên, từ đó tung ra thị trường thương hiệu MÍAHA – Dòng nước mía đóng lon đầu tiên tại Việt Nam. Sản phẩm hứa hẹn sẽ thỏa mãn “cơn khát” của người tiêu dùng hiện đại.
Trong một thông báo gửi đến các cổ đông mới đây, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa cho biết, công ty đã sẵn sàng tham gia thị trường nước giải khát với sản phẩm nước mía đóng lon MÍAHA-100% tự nhiên.
Sản phẩm nước uống giải khát mới từ Tập đoàn TTC.
Sau hơn 2 nãm nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp tại TTC Sugar, MÍAHA sẽ chính thức ra mẳt vào ngày 01/6/2021 với ba hương vụ mía tắc, mía đào và mía táo và sớm có mặt tại các hệ thống siêu thị và bán lẻ trên toàn quốc.
Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, đây là một sản phẩm nước mía tươi – sạch – nguyên chất, được sản xuất bằng công nghệ tiệt trùng cao cấp, giữ trọn vẹn các loại vi khoáng, dưỡng chất quý giá và mang đến năng lựợng tăng lực từ tự nhiên lần đầu tiên đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, còn là giải pháp tối ưu cho khách hàng yêu thích hương vị nước mía tự nhiên, ưu tiên sức khỏe, môi trường.
“Với sự ra đời của sản phẩm nước mía đóng lon MÍAHA, Tập đoàn TTC Sugar nỗ lực đa dạng hóa danh mục sản phẩm, hướng đến hoàn thiện chuỗi giá trị cây mía, cung cấp sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng và tham gia mạnh mẽ vào thị trường nước giải khát sôi động tại Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung”, Chủ tịch HĐQT TTC Sugar nhấn mạnh. Đồng thời, bà cũng cho biết, đây là cơ sở để công ty tiếp tục chiến lược gia tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần tối đa hóa lợi ích của cổ đông.
Việc triển khai nghiên cứu phát triển sản phẩm mới này đã được TTC Sugar đề cập vài năm gần đây, bên cạnh một số sản phẩm trong chuỗi giá trị từ cây mía khác như dòng đường ăn kiêng, đường năng lượng thấp, đường lỏng, chất policosanol từ sáp cây mía sử dụng trong ngành dược phẩm… Lãnh đạo công ty từng cho biết, hoạt động nghiên cứu sản phẩm đóng hộp nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía, bổ sung dòng sản phẩm nước giải khát thiên nhiên.
Trước khi ra mắt sản phẩm, TTC Sugar từng sở hữu 48,99% vốn CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) – nhãn hàng nước dừa đóng hộp Cocoxim. Dù không còn mối quan hệ về sở hữu, bà Đặng Huỳnh Ức My vẫn đang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ở cả hai công ty. TTC Sugar cũng đã cung cấp ra thị trường sản phẩm nước tinh khiết Miaqua từ quá trình bốc hơi nước mía trong quá trình luyện đường. Tuy nhiên, với khoảng 1,4 triệu lít nước tinh khiết thu được trong niên độ năm 2019-2020, quy mô doanh thu sản phẩm này còn khá khiêm tốn.
Chia sẻ thêm, bà Ức My kỳ vọng sự ra đời của nước mía lon MÍAHA sẽ là điểm kích hoạt cho thành công của TTC Sugar khi tham gia thi trường mới.
Thị trường nước giải khát của Việt Nam tăng bình quân 8,4% trong giai đoạn 2015-2019 với quy mô doanh thu năm 2019 đạt hơn 123.558 tỷ đồng (khoảng 5,3 tỷ USD). Còn trong năm 2020, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, đại dịch COVID-19 có tác động tương đối nhỏ đến doanh số bán nước giải khát ở Việt Nam.
Cũng trong năm 2020, thị trường này cũng ghi nhận sự gia nhập/ đánh tiếng gia nhập của các doanh nghiệp lớn. Giữa năm 2020, Công ty Cổ phần Traphaco đã ra mắt sản phẩm mới trà thảo dược Traphaco Boganic. Hãng dược tên tuổi nắm giữ gần 50% thị phần các sản phẩm có công dụng bổ gan này đã chuẩn bị khoảng 2 năm cho sản phẩm này, dựa trên công dụng và bài thuốc cổ truyền mà công ty nắm giữ bí quyết.
Đến cuối năm 2020, đến lượt hai ông lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là Kido và Vinamilk công bố kế hoạch sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nước giải khát không có gas có lợi cho sức khoẻ và kem mang thương hiệu Vibev.
Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm đồ uống Vibev cũng vừa nhận được giấy phép thành lập vào đầu tháng 3/2021. Vốn điều lệ ở thời điểm đăng ký mới là 400 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Kido và Vinamilk lần lượt là 49%/51%.
Trong khi tiếp thị và kênh phân phối sản phẩm có thể là một điểm yếu đối với một doanh nghiệp ngành dược như Traphaco, liên doanh Vibev lại có lợi thế khi có sẵn hệ thống kênh phân phối từ cả Kido lẫn Vinamilk. Liên doanh này từng cho biết sẽ ra mắt sản phẩm vào tháng 4/2021 nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận bóng dáng của thương hiệu này trên thị trường.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của thị trường tỷ đô này, nhưng đây cũng là một “đại dương đỏ” với nhiều tên tuổi lớn đã giữ chỗ đứng nhất định trong nhiều năm qua như Suntory Pepsico Việt Nam, Tân Hiệp Phát, Coca-Cola, URC Việt Nam… Trước khi tham gia vào liên doanh với Kido, Vinamilk cũng đã cho ra mắt khá nhiều sản phẩm nước giải khát thương hiệu Vfresh nhưng chưa thật sự bứt phá.
Theo Tc Doanh nghiệp & Hội nhập