Giải Vàng của sự nổ lực và hiệu quả
Vở diễn “Câu hò đất mẹ” tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn Hoàng Duẩn, âm nhạc: Minh Trọng, Ngô Thái Bảo; họa sĩ: Nghi Tuấn-Tấn Thành-Trí Đức; biên đạo múa: Vĩnh Khương với sự tham gia của các diễn viên: Như Huỳnh, Võ Tấn Phát, Bảo Trí, Mai Dũng, Cẩm Linh, Kim Tuyết, Hoàng Trịnh, Ngô Minh Trọng và gần 50 sinh viên trường Đại học văn hóa Tp.HCM. Ngoài 01 Huy chương vàng cho tác phẩm, vở đã đem về 2 huy chương vàng cho các diễn viên Như Huỳnh (vai Nguyễn Thị Minh Khai), Võ Tấn Phát (vai Lê Hồng Phong), Giải đạo diễn xuất sắc nhất, tương đương Huy chương vàng duy nhất về đạo diễn được trao cho đạo diễn Hoàng Duẩn, và 02 huy chương đồng trao cho Cẩm Linh (vai Bà mẹ), Mai Dũng (vai Cai Ngục).
Trước đó, vở diễn đã nhận được Giải A của Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cuộc thi “Sáng tác, quảng bá tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2012”.
Vở diễn như một bức tranh tuyệt đẹp về những trí thức cách mạng thời bấy giờ: Nguyễn Thị Minh Khai-Lê Hồng Phong. Bức tranh ấy được chấm phá bởi sự chỉn chu từ một kịch bản văn học; sự tinh tế, đa dạng trong thủ pháp đạo diễn biết chắc lọc và kết hợp giữa hiện đại – truyền thống trong một vở kịch; cảnh trí đẹp tạo ra không gian biểu diễn cho diễn viên, gợi trí tưởng tượng cho người xem; âm nhạc giúp diễn viên thăng hoa chạm đến cảm xúc của khán giả. Trong vở diễn có nghệ thuật Tuồng (hát Bội), dân ca ví, dặm xứ Nghệ, hát ru con Nam Bộ, lại có cả màn hình LED dùng để chuyển cảnh nhưng không lạm dụng “chiếu phim” mà chỉ là ước lệ, cắt cúp gợi trí tò mò cho khán giả xem kịch, bởi khán giả cũng là một thành phần sáng tạo của vở diễn.
Một góc song sắt sẽ thấy được nhà giam khám lớn, hay chuồng cọp Côn Đảo, những “bức tranh” về đồng quê 18 thôn vườn trầu, hay một đất nước Liên Xô xinh đẹp cũng chỉ được diễn tả thông qua những góc nhỏ của màn hình và những dàn đồng ca với cách xử lý tinh tế của dàn dựng, biên đạo.
Dàn đồng ca của những tù nhân khi hát ru Lê Hồng Phong (Võ Tấn Phát) sau mỗi trận đòn roi, những động tác cách điệu của hát bội của nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai (Như Huỳnh) khi bị tra tấn, hay lúc chải tóc cho con trong tù của người Mẹ (Cẩm Linh), cảnh Mật Thám (Bảo Trí) đưa Lê Hồng Phong vào gặp mặt Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn giao con nhờ chị Hai (Kim Tuyết) nuôi hộ, khói lam chiều trong nổi nhớ quê hương của Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong… là những đoạn để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.
Đạo diễn Hoàng Duẩn (hiện cũng là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học văn hóa TP.HCM) cho biết: “Câu hò đất Mẹ sẽ không thành công nếu không có một dàn diễn viên giỏi nghề và sự nổ lực của các bộ phận. Từ các vai Bà mẹ (Cẩm Linh), Mật thám (Bảo Trí), Cai Ngục (Mai Dũng), Lính (Hoàng Trịnh) trên 30 diễn viên khác cho đến hai vai quan trọng đó là Nguyễn Thị Minh Khai (Như Huỳnh), Lê Hồng Phong (Võ Tấn Phát). Các yếu tố âm nhạc, cảnh trí, múa, đạo cụ… đã tạo nên những chất xúc tác đặc biệt cho diễn viên nhập vào vai diễn trên sân khấu, thể hiện được trọn vẹn ý đồ của đạo diễn”.
Để có kết quả như hôm nay, tập thể sáng tạo vở diễn đã trải qua nhiều khó khăn. Do dịch bệnh nên ekip đã tổ chức tập online, đến khi tập thực tế trên sân khấu thì có hôm đang tập diễn viên phải nhập viện để điều trị vì quá sức, vì bệnh, âm nhạc chúng tôi cũng phải thu đến 4 lần mới hoàn thiện, maket cảnh được vẽ trên gỗ và chuyển từ một người bạn họa sĩ ở nước ngoài về…
Thành công từ mô hình gắn kết trong đào tạo giữa Nhà trường và doanh nghiệp
“Câu hò đất Mẹ” là tác phẩm Kịch nói chuyên nghiệp đầu tiên của Trường Đại học văn hóa TP.HCM kết hợp với một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp đó là Cty TNHH Tổ chức biểu diễn Phiêu Linh. Đây là một trong 15 doanh nghiệp, thiết chế văn hóa đã thực hiện lễ ký kết hợp tác với Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật (Trường Đại học văn hóa Tp.HCM) vào năm 2019.
Trước đây Công ty đã nhận hướng dẫn thành công nhiều sinh viên thực tập của Khoa QLVH,NT trong lĩnh vực Tổ chức sự kiện, Tổ chức biểu diễn…các em được tham gia các sự kiện cấp Tỉnh, Thành phố và Quốc gia. Lần này, bên cạnh các diễn viên chuyên nghiệp thì có trên 30 thầy cô giáo, sinh viên, học viên cao học của Trường tham gia trong vở diễn trong các vai trò: Chỉ đạo thực hiện, biên đạo múa, diễn viên, kỹ thuật âm thanh ánh sáng, tổ chức biểu diễn… việc được va chạm, thực hành với cách tổ chức, dàn dựng, biểu diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ giúp sinh viên tiếp cận với những kỹ năng của người đi trước một cách tốt nhất, bắt kịp xu thế thời đại. Đây là một hình thức Xã hội hóa linh động, khi doanh nghiệp lo toàn bộ chi phí sản xuất, nhà trường hổ trợ địa điểm và đó cũng là việc hiện thực hóa chủ trương đào tạo theo định hướng thực hành-ứng dụng của Lãnh đạo nhà trường, giúp sinh viên trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong bối cảnh hiện nay.
Là người chịu trách nhiệm của chương trình, TS Trịnh Đăng Khoa- Trưởng Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật cho biết: “Từ năm 2019 khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật chủ động gắn việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên với 15 thiết chế văn hóa, doanh nghiệp bên ngoài nhà trường cùng hoặc phù hợp với ngành nghề đạo tạo làm cơ sở để thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ mục tiêu là: Mở rộng mối quan hệ giao lưu học thuật, nắm bắt yêu cầu và những biến đổi mới từ thực tiễn để điều chỉnh kịp thời chương trình đào tạo; nâng cao khả năng nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên đáp ứng kịp yêu cầu xã hội; tạo môi trường học hành thực tế nhằm tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên ngay trong quá trình đào tạo. Hỗ trợ cơ sở thực tiễn nguồn nhân lực chất lượng cao, đã qua đạo tạo để góp phần nâng chất, làm mới các hoạt động văn hóa tại cơ sở. Liên kết, hợp tác giữa khoa chuyên môn với các thiết chế văn hóa, doanh nghiệp nhằm tạo ra các công trình nghiên cứu khoa học; các sản phẩm văn hóa mới, chất lượng cao đáp ứng nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa – con người nhân văn, gắn với phong trào “Đô thị văn minh và Nông thôn mới” hiện nay.”
Cũng với sự cộng tác này, thời gian tới tác phẩm “Câu hò đất Mẹ” dự kiến sẽ có các suất diễn phục vụ cho sinh viên, học sinh và người dân trên địa bàn Tp.HCM và các Tỉnh, Thành phố lân cận khi tình hình dịch bệnh được kiếm soát tốt.
PV
Hình ảnh: Phiêu Linh, CLB nhiếp ảnh “Chớp Foto”, Tấn Thành