KHÁT VỌNG MỞ CÁNH CỬA RA THẾ GIỚI CHO DẦU MÙ U VIỆT NAM BẰNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

 

Tiến sĩ Lưu Xuân Cường trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM  và doanh nghiệp của Việt Nam đã nghiên cứu phát triển thành công quy trình tinh chế và sản xuất dầu mù u. Đặc biệt, sản phẩm này đã được nhóm đăng ký Tiêu chuẩn nguyên liệu mỹ phẩm tự nhiên (COSMOS) do tổ chức ECOCERT, Pháp chứng nhận. Với tiêu chuẩn này, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Đây cũng là nguyên liệu mỹ phẩm đầu tiên tại Việt Nam đăng ký thành công Tiêu chuẩn COSMOS. Việc đầu tư một cách hoàn chỉnh từ nghiên cứu công nghệ sản xuất, tới đăng ký tiêu chuẩn quốc tế để rộng đường cho việc thương mại hóa và xuất khẩu sản phẩm như những gì nhóm nghiên cứu đang làm sẽ mang lại lợi ích đa chiều: tạo cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm dược liệu của Việt Nam, khuyến khích nghiên cứu và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, gắn kết và mang lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị của sản phẩm (nông dân, thương nhân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp).
Nguồn gốc dầu mù u?
Mù u (Calophyllum inophyllum) – một loại cây nhiệt đới được gọi là calophyllum inophyllum có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Ở nước ta, cây phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh miền tây như Bến Tre, Cà Mau, mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 500 tấn hạt, song hầu như không được quan tâm vì giá rẻ. Dầu mù u tamanu có nguồn gốc từ hạt của cây hạt tamanu có chứa nhiều acid béo và các hoạt chất có tác dụng tốt cho việc làm lành vết thương.
Dầu mù đã được sử dụng trong y học qua nhiều thế kỷ bởi các nền văn hóa Châu Á, Châu Phi và Đảo Thái Bình Dương với cách dùng phổ biến nhất là áp dụng tại chỗ để làm dịu các tình trạng của da, bao gồm: Vết cắt, vết bỏng, vết chàm, vết đốt, vết cắn, mụn trứng cá, da khô và thậm chí là mùi hôi chân hay chữa bệnh phong.
Người cổ đại đã sớm phát hiện ra rằng việc sử dụng dầu tamanu có thể giúp thúc đẩy sự phát triển tế bào da khỏe mạnh và các lợi ích phục hồi khi thoa nó lên da, nên thậm chí còn sử dụng thường xuyên trên da trẻ sơ sinh do dầu đủ dịu nhẹ và cực kỳ bổ dưỡng cho làn da của trẻ.
Để sản xuất ra dầu mù u, con người phải lấy được hạt tamanu sau khi chúng rơi tự nhiên từ trên cây xuống. Những hạt có màu nhạt được phơi trong nắng khoảng 6 – 8 tuần và cần che chắn cho chúng khỏi ẩm ướt và mưa. Khi hạt tamanu bắt đầu khô, vỏ ngoài của chúng sẽ chuyển sang màu nâu đỏ. Quá trình lâu dài này là cần thiết để đảm bảo dầu có chất lượng cao nhất được sản xuất.
Sau đó, hạt tamanu khô được ép lạnh trong máy ép trục vít để thu dầu. Đáng chú ý là chỉ có một vài giọt dầu chảy ra từ một hạt. Dầu mù u có hình thức và mùi đáng chú ý. Ở dạng tinh khiết nhất, dầu có độ đặc sệt, màu xanh lá cây đậm và mùi hăng riêng biệt, đôi khi có thể gây khó chịu cho một số người.

Hình 1. Trái mù u.

Tiến sĩ Lưu Xuân Cường và khát vọng mở cánh cửa ra thế giới cho mù u Việt bằng khoa học công nghệ
Mặc dù có tiềm năng song dầu mù u của nước ta chưa được quan tâm sử dụng cũng như thương mại hóa vì nhiều nguyên nhân. Dầu có màu sắc quá đậm và độ rít cao do quá trình ép sử dụng phương pháp thủ công đã khiến một lượng lớn nhựa từ hạt đi ra cùng dầu, làm cho màu sắc của dầu rất đậm và gây rít da; tình trạng lẫn nhiều nhựa trong dầu cũng làm giảm tác dụng của dầu trên da. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu dầu làm nguyên liệu cũng rất khó khăn do dầu mù u của Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn “organic”.
Để giải quyết vấn đề trên, Tiến sĩ Lưu Xuân Cường cùng nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài “Sản xuất dầu mù u tinh chế và đăng ký chuẩn nguyên liệu mỹ phẩm tự nhiên phục vụ xuất khẩu” dưới sự tài trợ và phối hợp của 3 doanh nghiệp: Công ty CP Quốc tế AOTA; Công ty TNHH May Mắn; Công ty TNHH Dermatech Vietnam.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình tinh chế và sản xuất dầu mù u. Theo quy trình này, hạt mù u sau khi thu mua về sẽ được loại bỏ các hạt hỏng, tách vỏ, xay hạt và sấy đến độ ẩm từ 4-7%. Tiếp đó, các hạt khô sẽ được ép dầu bằng phương pháp ép thủy lực (việc ép dầu được tiến hành 1-3 lần để đảm bảo thu được hoàn toàn dầu trong hạt). Sau đó dầu thu được sẽ qua bước tách nhựa và mùi (hình 3). Quy trình công nghệ đã được nhóm nghiên cứu đăng ký sở hữu trí tuệ. Sản phẩm dầu mù u sau khi tinh chế có cảm quan, tính chất hóa lý và hoạt tính sinh học tốt hơn dầu mù u thô (hình 4). Nhờ vậy sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng nhiều hơn.

Quy trình tạo dầu mù u tinh chế từ hạt mù u.

Kết quả nghiên cứu khẳng định được các công dụng chính của dầu là: làm ẩm da, mềm da, tái tạo tế bào mới; kháng khuẩn, kháng viêm; giảm đau, làm lành vết thương. Đặc biệt, dầu mù u rất tốt cho việc phục hồi da sau chấn thương.
Công dụng của dầu mù u?

Trị mụn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu mù u hay dầu tamanu có chứa hàm lượng cao các đặc tính kháng khuẩn và chữa lành vết thương. Những đặc tính này hoạt động chống lại các chủng vi khuẩn gây ra mụn trứng cá. Dầu cũng chứa các đặc tính chống viêm nên cũng có hiệu quả trong việc điều trị mụn viêm.


Chống lão hóa

Công dụng của dầu mù ù có khả năng kích thích sản xuất collagen giúp tái tạo và chống lão hóa da. Ngoài ra, khi dầu mù được bôi trên da, sẽ ngăn chặn tới 85% thiệt hại DNA do bức xạ UV gây ra.
Lành sẹo
Dầu mù u có công dụng trong việc điều trị sẹo nhờ chứa các đặc tính tái tạo da và chữa lành vết thương, giúp kích thích tăng sinh tế bào. Hai thành phần glycosaminoglycan (GAG) và collagen; cả hai đều là những yếu tố quan trọng trong việc chữa lành sẹo. Các đặc tính chống oxy hóa của dầu cũng có lợi trong việc chữa lành các vết sẹo.

Dầu mù u với khả năng phục hồi da bị thương của dầu mù u theo thời gian.

– Cải thiện nấm chân
Dầu mù u có hiệu quả trong việc điều trị bệnh nấm da chân (một bệnh nhiễm nấm truyền nhiễm ảnh hưởng đến da xung quanh bàn chân) nhờ đặc tính chống nấm. Ngoài ra, dầu mù u còn rất hiệu quả để cải thiện chứng hôi chân.

TS. Lưu Xuân Cường. Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học công nghệ nano tại ĐH OKlahoma tại Mỹ 2014. Đã chủ trì nhiều đề tài khoa học bộ Công thương (2015, 2017), Bộ khoa học công nghệ (Nafosted – 2018), sở khoa học Tp. HCM (2019). Quỹ Nghiên cứu của Tập Đoàn Vingroup 2019 và Nhiều dự án nghiên cứu với doanh nghiệp. TS. Cường hiện là Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển công nghệ hóa dược và là giám đốc công ty Cổ phần Quốc tế AOTA.
Hiện nay đã có hơn 10.000 sản phẩm mỹ phẩm được chứng nhận COSMOS trên toàn thế giới và hơn 1.300 công ty đã đăng ký chứng nhận ECOCERT. Tại Việt Nam, sản phẩm dầu mù u của nhóm nghiên cứu là nguyên liệu mỹ phẩm đầu tiên đăng ký thành công Tiêu chuẩn COSMOS. Hiện tại, nhóm đang hướng đến việc đăng ký tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt hơn là Organic/USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ để có thể xuất khẩu sản phẩm ra toàn cầu.


Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều loại dược liệu quý, tiềm năng xuất khẩu cao. Tuy nhiên để có thể cạnh tranh với dược liệu của các quốc gia khác, chúng ta cần có sự đầu tư bài bản để sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nghiên cứu một cách hoàn chỉnh từ công nghệ tới đăng ký tiêu chuẩn quốc tế và công bố lưu hành sản phẩm như dầu mù u tinh chế sẽ giúp các dược liệu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế hơn. Qua đó, góp phần mang lại giá kinh tế lớn cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị của sản phẩm (nông dân, thương lái thu mua, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất và thương mại hóa sản phẩm).