Buổi hội thảo với chủ để “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở” do Đài Truyền hình Việt Nam VTV tổ chức. Vấn đề nổi cộm được các chuyên gia bàn bạc nhiều nhất chính là làm sao để khắc phục tình trạng rời rạc trong phát triển đô thị, từng bước tạo ra những khu đô thị đáng sống. Điều các chuyên gia cho rằng những khu đô thị đáng sống thì giá không nên quá cao, nhưng phải mang lại sự hài hòa, thân thiện, vị trí phù hợp, kết hợp yếu tố tiện ích hạ tầng, xã hội đi kèm.
Theo các chuyên gia nhận định, giao thông hạ tầng kết nối luôn là yếu tố then chốt đầu tiên để phát triển đô thị. TP HCM được đánh giá là đã có cách tiếp cận đúng đắn và tích cực khi phát triển các khu phía Đông, mới nhất là việc thành lập TP Thủ Đức. Các chuyên gia nhấn mạnh chính là để có các khu đô thị có sức sống cần có sự hợp tác đầy đủ giữa các cơ quan, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư tham gia sẽ hướng tới tương lai phát triển bền vững. Như kiến trúc sư Arnon Snapir, thành viên Viện Kiến trúc sư Mỹ AIA cho rằng, Thành phố đáng sống cần có không gian mở, xanh, tạo cảm giác thân thuộc cho cư dân khi bước vào dù nó không cần phải quá đắt đỏ… và TP HCM có đầy đủ những lợi thế lớn để đạt được những giá trị đó.
Trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long chú trọng đến Quy hoạch và nghiên cứu phù hợp. Ông Quang chia sẻ mỗi nơi đều có những phong tục, tập quán khác nhau và TP HCM cũng vậy. Dĩ nhiên muốn làm quy hoạch tốt cần phải có quỹ đất sạch, và đó chính là điều cốt lõi mà nhà nước cần phải tính toán trước.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ – Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất – Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, Luật Đất đai quy định rất rõ, việc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đất đã được giải phóng mặt bằng. Hiện nay có sự xung đột giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý tài sản công, khiến cho luật ra sau phủ định luật ra trước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng trung tâm phát triển quỹ đất, ưu tiên hàng đầu tạo quỹ đất sạch. Bộ cũng đã phân cấp phân quyền, địa phương thực hiện. Việc chỉnh trang đô thị cần thực hiện theo phương pháp đồn điền đổi thửa. Đây là giải pháp mấu chốt biến những khu đô thị của chúng ta thành khu đô thị hiện đại như Singapore. Nếu các khu chung cư ở TP HCM không giải quyết theo hướng như vậy sẽ khó có khu đô thị thực sự thông minh sáng tạo …
Tiến sĩ Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, phát triển hệ thống giao thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển đô thị nhằm thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, thực hiện giãn dân, kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, quản lý khu vực hành lang xanh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng. Đối với việc phát triển đô thị TP HCM, Tiến sĩ Phạm Hoài Chung cho rằng, điều này không thể tách rời định hướng phát triển vùng TP HCM đã được quy hoạch đồng bộ kết cấu hạ tầng, từ đường bộ, đường thuỷ, đường sắt quốc gia cho đến cảng hàng không, sân bay. “Để phát huy hết lợi thế của vùng TP HCM, đảm bảo kết nối các khu vực đô thị, phát triển kinh tế-xã hội của vùng xứng đáng với vị thế, vai trò đã được xác định, hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối, giảm áp lực hạ tầng, nâng cao môi trường sống, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị”, Tiến sĩ Phạm Hoài Chung chia sẻ thêm.
Khai thác thêm một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chỉ ra yếu tố vị trí cực kỳ quan trọng cho một khu đô thị: “Nếu nó ở gần nơi bạn làm việc, con bạn đi học thì chắc chắn nó đáng để bạn lưu tâm. Bên cạnh đó, yếu tố giá cả cũng như các hạ tầng xã hội đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân ở đó chưa…?”.
Thông tin về quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung – Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành dịch vụ, trở thành đô thị thông minh, phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên nền tảng thành lập thành phố Thủ Đức. Đồng thời, phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.
Buổi hội thảo đã diễn ra sôi nổi và đây chính là đề tài “nóng hổi” mà cả xã hội đang quan tâm. Suy cho cùng, việc phát triển các khu đô thị cũng phải được cập nhật trong quy hoạch chung, có tính tích hợp, khơi thông nguồn lực hợp tác, tạo ra nguồn lực phát triển mới để đầu tư cơ sở hạ tầng và quỹ nhà ở./.
Theo Hoàng Châu, Doanh nghiệp và hội nhập