Ngày 14/9/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các đơn vị tái chế, xử lý chất thải tại khu vực thành phố phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khu vực phía Nam.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (Điều 54 – 55); Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Chương VI) và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Điều 78-79).
Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu 06 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: (1) săm lốp, (2) pin và ắc quy, (3) dầu nhớt, (4) các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); (5) điện và điện tử; (6) phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 04 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2027.
Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: nhà sản xuất, nhập khẩu 06 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: (1) thuốc bảo vệ thực vật, (2) pin sử dụng một lần, (3) tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, (3) kẹo cao su, (4) thuốc lá, (5) một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…). Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Ông Đỗ Xuân Thuấn, Cán bộ Văn phòng EPR Quốc Gia trình bày chuyên đề hướng dẫn kê khai trách nhiệm
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia đã chia sẻ, giới thiệu các quy định chi tiết về EPR theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết; đồng thời, tập huấn hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia. Đại diện Vụ Pháp chế, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia và các chuyên gia đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc thực hiện 02 trách nhiệm nêu trên.
Bà Nguyễn Phương Hà, Cán bộ Văn phòng Hội đồng EPR Quốc Gia trình bày chia sẻ giới thiệu EPR
Kết luận tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ TN&MT hi vọng những thông tin, giải đáp tại Hội thảo có thể giúp doanh nghiệp hiểu và nắm bắt đầy đủ về các quy định pháp luật, từ đó thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của mình.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, dự kiến ban hành vào cuối năm nay.
Trong thời gian tới, Văn phòng EPR tiếp tục tổ chức các hội thảo tập huấn về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và phổ biến các quy định mới liên quan đến Tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xử lý chất thải và Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải để các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà xử lý, tái chế có thể tiếp cận đầy đủ các quy định để thực hiện hiệu quả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Hoàng Lan