Việc các thương hiệu lớn của Việt Nam bị mất nhãn hiệu ở nước ngoài đã được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng chuyện bị mất nhãn hiệu này vẫn tiếp diễn, chưa thực sự cảnh tỉnh các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề bảo hộ ở nước ngoài.
Công ty Viet Huong chủ sở hữu nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tại Úc.
Có thể kể đến một số nhãn hiệu lớn đã và đang bị mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài như: VIFON của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam, thương hiệu Phở Thìn, nước mắm Phú Quốc tại Úc…
Nhãn hiệu VIFON của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Kỹ nghệ) đã thuộc về Công ty thương mại L & T (sau đây gọi là Công ty L & T) của Úc. Điển hình là việc Công ty L & T đã đăng ký nhãn hiệu VIFON (là một trong những nhãn hiệu mạnh của Công ty Kỹ nghệ) tại Úc năm 1994. Và, năm 2006 Công ty L & T chính thức ký hợp đồng đại lý phân phối với Công ty Kỹ nghệ. Nhưng hợp đồng đại lý không có điều khoản quy định về việc sử dụng nhãn hiệu đối với các sản phẩm mang thương hiệu VIFON đối với Công ty L & T.
Đến năm 2018, khi không còn “chung hướng”, Công ty Kỹ nghệ đã cố gắng giành lại nhãn hiệu VIFON của mình bằng việc yêu cầu Văn phòng Sở hữu trí tuệ (SHTT) Úc hủy bỏ nhãn hiệu do việc không sử dụng (removal for non-use) đối với các nhãn hiệu VIFON của công ty L & T. Công ty Kỹ nghệ cho rằng, việc sử dụng nhãn hiệu của công ty L & T là đang sử dụng nhãn hiệu của Công ty Kỹ nghệ.
Tuy nhiên, Văn phòng SHTT của Úc đã phán quyết công ty L & T vẫn là chủ sở hữu nhãn hiệu VIFON đối với các sản phẩm mà công ty này có thực hiện các hoạt động thương mại gồm nhãn hiệu chữ VIFON đối với các chế phẩm từ ngũ cốc và nước chấm (Nhóm 30), và đặc biệt nhãn hiệu VIFON & logo đối với các sản phẩm chủ đạo của Công ty Kỹ nghệ mang nhãn hiệu VIFON như bún, gạo, cháo, các loại gia vị… (Nhóm 30). Theo cơ quan này của Úc, Công ty Kỹ nghệ chưa bao giờ là chủ sở hữu nhãn hiệu VIFON tại Úc vì chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại nước này.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Kỹ nghệ vẫn còn đang chật vật với việc đăng ký nhãn hiệu VIFON ở Úc (nộp hồ sơ từ tháng 4-2018), tuy nhiên hồ sơ vẫn chưa được chấp nhận để nhãn hiệu được bảo hộ. Và với nhãn hiệu đối chứng (đăng ký trước) của Công ty L & T trùng với công ty Kỹ nghệ (cả hai nhãn hiệu đều là chữ VIFON, cho các sản phẩm trùng hoặc tương tự), e rằng còn chặng đường rất xa để nhãn hiệu này được bảo hộ, nếu không có một chiến lược pháp lý phù hợp.
Hay việc thương hiệu Phở Thìn của Việt Nam, hiện đang phải tiến hành phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu Phở Thìn của công ty POSH LIFESTYLE của Úc, do công ty này đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu Phở Thìn tại Úc vào ngày 7-2-2020, và trên thực tế đã tiến hành sử dụng nhãn hiệu này cho quán phở của mình tại Melbourne cũng như trên các phương tiện truyền thông như trang web (1), facebook(2). Trong khi nhãn hiệu Phở Thìn của ông Nguyễn Trọng Thìn chỉ mới có chỉ định đăng ký vào Úc ngày 31-12-2020. Một cuộc chạy đua khốc liệt của hai bên đã bắt đầu rồi và dù kết quả như thế nào, đây cũng là bài học cần lưu ý cho các thương hiệu của Việt Nam trong công cuộc chinh phục thị trường nước ngoài.
Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam
Qua các vụ việc trên có thể thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn lúng túng trong việc thiết lập các hàng rào bảo vệ đối với tên thương hiệu (nhãn hiệu) của mình, đặc biệt tại thị trường nước ngoài. Một số vấn đề về việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài mà các doanh nghiệp có thể tham khảo qua các vụ việc trên như sau:
Thứ nhất, việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính lãnh thổ, tức việc nhãn hiệu của doanh nghiệp được bảo hộ ở Việt Nam, không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu cũng được bảo hộ ở Úc hay nước khác. Do đó, cần tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình ở thị trường nước ngoài ngay khi có kế hoạch mở rộng thị trường sang nước khác, hay ngay khi nhận biết được “độ mạnh” thương hiệu của mình ở thị trường trong nước có thể là miếng mồi ngon của một số đối tượng tại thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, cần hiểu bản chất của các giao dịch đang diễn ra, ví dụ trong trường hợp của VIFON, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đồng nghĩa với việc nhãn hiệu thuộc sở hữu của doanh nghiệp là một lập luận chưa đúng của VIFON trong vụ việc trên. Một ví dụ đơn giản khác, các sản phẩm của Apple dù được sản xuất ở Trung Quốc thì nhãn hiệu vẫn thuộc về công ty Apple của Mỹ không phải của công ty sản xuất.Thứ hai, cần quan tâm đặc biệt các điều khoản về hợp đồng đại lý phân phối tại nước ngoài liên quan đến vấn đề sử dụng nhãn hiệu bên cạnh các điều khoản về hàng hóa, thời gian, phương thức thanh toán. Tối ưu nhất, doanh nghiệp nên tiến hành đăng ký để trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu ở nước muốn phân phối hàng hóa và có điều khoản ràng buộc việc sử dụng nhãn hiệu của bên đại lý, đồng nghĩa với việc đang sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Thứ ba, hiện nay dù chưa có hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Quốc tế tại tất cả các nước cùng một lúc, tuy nhiên có thể tựa vào Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid (Madrid system) gồm hai Hiệp ước quan trọng là Thỏa ước Madrid (Madrid Agreement) và Nghị định thư Madrid (Madrid Protocol) mà Việt Nam đã là thành viên của hai Hiệp ước này. Do đó, cá nhân hay doanh nghiệp Việt muốn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cùng một lúc ở nhiều quốc gia là thành viên của hệ thống Madrid có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đến văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và đơn sẽ được chỉ định đến các nước là thành viên của hệ thống Madrid mà doanh nghiệp có nhu cầu.
Thứ tư, việc đăng ký và duy trì nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài sẽ không tốn nhiều chi phí nếu các doanh nghiệp hiểu rõ bản chất pháp lý về nhãn hiệu. Ví dụ, chỉ cần đăng ký dấu hiệu có tính phân biệt mạnh của nhãn hiệu với các nhóm sản phẩm chính của công ty. Như vậy doanh nghiệp chỉ cần đăng ký một hồ sơ nhãn hiệu ở một nước là đã có thể hạn chế tình trạng ăn cắp nhãn hiệu của danh nghiệp ở nước đó. Và nếu ngân sách bảo hộ nhãn hiệu còn hạn chế, trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể không cần gia hạn các nhãn hiệu cũ, nếu nhãn hiệu bảo hộ hiện tại đã bao hàm các yếu tố mạnh có tính phân biệt của các nhãn hiệu cũ. Vì hiện nay có nhiều chủ nhãn hiệu Việt Nam phải gồng mình gia hạn các nhãn hiệu đã không còn sử dụng tại thời điểm hiện tại.
Tóm lại, doanh nghiệp Việt trên con đường chinh phục thị trường nước ngoài, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thì vấn đề thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu của mình là điều cần nghiêm túc đầu tư. Đặc biệt, với công tác hội nhập đang rất bức phá như hiện tại thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại, gần nhất như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), thì vấn đề bảo hộ các tài sản trí tuệ và cụ thể là nhãn hiệu lại cần được quan tâm đúng mực hơn nữa.
PV (Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)