Tân sinh viên Trịnh Tiến Sơn, ngành Quản trị kinh doanh khóa 48,được miễn 100% học phí năm thứ nhất và được duy trì những năm tiếp theo khi đạt điều kiện về học tập và toàn bộ giáo trình, tập bài giảng và văn bản pháp luật trong 04 năm học.
Sơn có hoàn cảnh: Ba đã mất, hiện đang ở với mẹ, gia đình thuộc hộ cận nghèo. Gia đình có 4 người con trong đó có 2 người (chị gái đầu và Sơn) bị dị tật bẩm sinh do bị nhiễm chất độc màu da cam của ba.
Bản thân Sơn đã chạy chữa 36 lần tại Hà Nội, hiện tại dù đi được nhưng do mổ 02 lần nối gân nên không vận động bình thường được, đồng thời bạn còn bị xương lồng ngực đè lên tim nhưng do điều kiện kinh tế vẫn chưa có tiền để phẫu thuật.
Ngoài Sơn, tân sinh viên Trần Bích Hiền, ngành Luật, Khoa Luật Hành chính khóa 48, có hoàn cảnh: Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ làm công nhân bốc vác 01 mình nuôi bạn. Hiện tại mẹ đang bị ung thư trực tràng giai đoạn 4, không còn khả năng lao động. Bạn hiện đang ở với gia đình cậu mợ cũng khó khăn, ngoài ra cậu còn phải hỗ trợ mẹ thuốc thang chữa bệnh cũng được nhận học bổng như trên.
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng trao tặng 20 suất học bổng từ nguồn Quỹ hỗ trợ sinh viên cũng như kêu gọi được hơn 800 triệu đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp, cựu sinh viên trao tặng Quỹ Hỗ trợ sinh viên của Nhà trường.
TS Lê Trường Sơn Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM cho biết, kết quả tuyển sinh đại học năm 2023, Nhà trường đạt 100% chỉ tiêu (2100 chỉ tiêu) với 2 phương thức: Xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm (tối đa 40% chỉ tiêu) và Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (60% chỉ tiêu).
Trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển trường đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Với mục tiêu là Xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM thành Trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực với nòng cốt là Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; Trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn đắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Năm học 2022 – 2023 Trường đã công nhận và cấp bằng tốt nghiệp Cử nhân Luật cho 1886 sinh viên các khóa K43 QT-LT, K44 các ngành Luật, LTMQT, QTKD, NNA.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM chúc mừng 2.123 Tân sinh viên khóa 48 chính thức trở thành thành viên của mái nhà chung Ulaw và nhắn nhủ đến các Tân sinh viên: “Các bạn hãy bình tĩnh, hãy chia sẻ và tìm sự tư vấn, hỗ trợ từ các anh chị sinh viên, từ bạn bè và các thầy cô. Hãy chuẩn bị những hành trang cần thiết cho mình ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM:
– Hãy xây dựng cho mình một phương pháp học đại học 1 cách khoa học và hiệu quả. Phải rèn luyện cho mình tinh thần chủ động sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học.
– Bên cạnh đó. Các bạn cần phải có kế hoạch để trau dồi thêm về ngoại ngữ để có thể vừa đạt được chuẩn ngoại ngữ để tốt nghiệp ra trường nhận tấm bằng Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, vừa sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động đang ngày càng quốc tế hóa như hiện nay.
– Các bạn cũng hãy tự tin và mạnh dạn tham gia vào các hoạt động phong trào để trang bị thêm các kỹ năng mềm, cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội, công tác thiện nguyện, phục vụ cộng đồng.
– Các bạn cũng hãy chủ động nắm bắt và trang bị thêm các kiến thức về công nghệ. Việc nắm bắt được xu hướng và sự phát triển của công nghệ sẽ rất hữu ích cho quá trình phát triển nghề nghiệp của các em sau này.”
Ngay sau Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 đã diễn ra các hoạt động của Ngày hội Xin chào chào đón Tân sinh viên khóa 48 gồm nhiều hoạt động như gặp gỡ, giao lưu giữa lãnh đạo các Khoa, Thầy, Cô với Tân sinh viên, chương trình ẩm thực sinh viên, giao lưu CLB – đội – nhóm và Đêm văn nghệ sôi động.
Trường Đại học Luật TP. HCM có truyền thống và lịch sử phát triển lâu dài, liên tục từ 1976 với tiền thân là Trường Cán bộ Tư pháp miền Nam và đến 30/3/1996 chính thức mang tên gọi Trường Đại học Luật TP. HCM trên cơ sở hợp nhất Phân hiệu Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – Quyết định số 1234/GD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Hiện nay, Trường là cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg, ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh là trường đào tạo đa ngành, có đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu, có chức danh và học vị (01 giáo sư, 15 Phó giáo sư, 67 Tiến sĩ, 195 Thạc sĩ.
Ngoài ra, Nhà trường còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật đã góp phần hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của sinh viên trước khi tốt nghiệp). Với hai cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại đã đi vào hoạt động và cơ sở thứ ba đang trong quá trình xây dựng. Nhà trường có 8 khoa chuyên ngành, 5 ngành đào tạo (ngành Luật, Luật Thương mại Quốc tế, Quản trị – Luật, Quản trị Kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Anh văn pháp lý)) và nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao. Quy mô đào tạo hiện tại của Trường là khoảng 10.000 người học với hơn 8.000 sinh viên hệ chính quy, hơn 1.000 học viên cao học và gần 100 nghiên cứu sinh.
Hàng vạn học viên, sinh viên đã học và nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; nhiều người trong số họ đã và đang đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nắm giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Các thế hệ Thầy và Trò của Nhà Trường đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Mị Dung