Yêu cầu mức lương bao nhiêu cho phù hợp?
Bạn Tăng Đan Trinh, học ngành Luật thương mại, Đại học Sài Gòn cho biết sau khi ra trường, mức lương ban đầu mà bạn mong muốn khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, đồng thời hi vọng được phía doanh nghiệp hỗ trợ thêm các khoản như nhà ở, đi lại. Đan Trinh hi vọng, sau khoảng 1 năm làm việc, mức lương của cô sẽ được nâng lên 12-15 triệu đồng/tháng để đáp ứng việc trang trải chi phí trong cuộc sống hằng ngày và xứng đáng với kết quả của 4 năm đại học. Tuy nhiên, bạn cho biết khảo sát trên một số trang tuyển dụng thì thấy khó tìm được công ty sẵn sàng trả mức lương như vậy.
Thực tế nhiều năm qua, những tân cử nhân mới ra trường khi được nhận vào làm tại một doanh nghiệp nào đó thường chỉ được đề xuất mức lương khởi điểm khá khiêm tốn, trung bình chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trên có thể nói là thấp, không thể đủ để trang trải chi phí cuộc sống tại các thành phố lớn như hiện nay.
Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Trương Đỗ Duy Tân đang cố gắng hoàn thành nốt những thủ tục để tốt nghiệp, đồng thời làm hồ sơ xin việc gửi đến các doanh nghiệp.
Duy Tân cho biết, sẵn sàng chấp nhận mức lương khởi điểm mà phía doanh nghiệp đưa ra. “Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm nên tôi chưa đặt nặng vấn đề đãi ngộ là bao nhiêu mà lấy học tập làm mục đích chính. Sau thời gian làm việc, nếu mình làm tốt, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả cho mình một mức lương tốt hơn”, Duy Tân nói.
Trong khi đó, Đỗ Huyền Linh- Sinh viên năm 3 Trường Đại học Văn Lang cho biết sẽ từ chối nếu được nhận vào công ty mà chỉ trả lương 5-7 triệu đồng/tháng. Huyền Linh cho rằng, mức lương để sống tối thiểu ở thành phố lớn như hiện nay phải xấp xỉ 10 triệu đồng. “Một công ty ban đầu chỉ trả mức lương thấp, để phấn đấu có một mức lương cao hơn tôi nghĩ sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, ngay từ đầu tôi muốn lựa chọn một công ty nào đó có mức đãi ngộ tốt hơn”.
Theo Huyền Linh để làm được điều nói trên, Huyền Linh sẽ phấn đấu học tập, tốt nghiệp với thành tích tốt đồng thời xin đi làm thêm, thực tập tại các doanh nghiệp để có kinh nghiệm đi làm ngay khi còn là sinh viên. Khi ra trường, cô đã có từ 1-2 năm kinh nghiệm, điều này sẽ giúp Huyền Linh có vốn liếng để mặc cả lương với doanh nghiệp.
Sự cần thiết của Ngày hội Chuyển đổi số hướng nghiệp và việc làm cho sinh viên
Mới đây, ngày 5-8, hơn 3.000 sinh viên tham dự ngày hội Chuyển đổi số Hướng nghiệp và Việc làm năm 2023, tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn ( TP HCM). Thông qua ngày hội, nhiều sinh việc đã tìm được việc làm cho mình.
Ngày hội có sự tham gia của hơn 35 tổ chức, doanh nghiệp, mang đến 5.000 vị trí tuyển dụng với đa dạng lĩnh vực, qua đó giúp hơn 3.000 sinh viên định hướng, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp phù hợp.
Đến với ngày hội, sinh viên được trải nghiệm khu vực chia sẻ, định hướng nghề nghiệp, việc làm; Khu vực tuyển dụng trực tiếp; Khu vực “Phỏng vấn thử – Thành công thật”; Khu vực tìm việc online “Đăng ký hôm nay – Có ngay việc làm”; Khu vực khảo sát, đánh giá nhu cầu sinh viên “Kiểm tra tính cách – Xây dựng bản sắc”; Khu vực sân chơi văn hóa, văn nghệ và ẩm thực…
PGS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn cho biết, ngày hội là dịp để sinh viên nhà trường tiếp cận cơ hội nghề nghiệp từ những doanh nghiệp lớn, uy tín; Được trang bị những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; Được tiếp thu, tích lũy những kỹ năng, trải nghiệm bổ ích trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường để tìm được cơ hội việc làm cũng như lựa chọn con đường sự nghiệp đúng đắn trong tương lai.
Khu vực “Phỏng vấn thử – Thành công thật” để trải nghiệm thực tế quá trình phỏng vấn tại các doanh nghiệp, nhận góp ý từ các chuyên gia nhân sự sau quá trình phỏng vấn để rút kinh nghiệm cho quá trình phỏng vấn ứng tuyển sau khi ra trường và có cơ hội được tuyển dụng hoặc nhận thực tập theo nguyện vọng.
Sinh viên cũng có thể có được việc làm ứng ý khi đăng ký chương trình “Đăng ký hôm nay – Có ngay việc làm” giúp kết nối các doanh nghiệp trong việc tổ chức phỏng vấn trực tuyến và hướng dẫn sử dụng đăng nhập tìm việc trên hệ thống trang tin điện tử “sieuthivieclam.vn”.
Ngày hội năm nay còn tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng sinh viên và doanh nghiệp như khảo sát, đánh giá xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu nghề nghiệp, việc làm của sinh viên; Chuỗi hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; Chuỗi chuyên đề kỹ năng dành cho sinh viên.
Dịp này, trường Đại học Sài Gòn cũng tổ chức các chuyên đề: “Nhà giáo trẻ – Những điều bạn cần biết”; “Ứng dụng ChatGPT trong học tập”, “Kỹ năng, nghiệp vụ ngoại giao và những cơ hội, thách thức hội nhập quốc tế trong sinh viên”… để hỗ trợ sinh viên.
Bạn Nguyễn Thị Mỹ Huyền sinh viên năm 3 ngành kế toán cho biết: “Em mong muốn mức lương từ 8-12 triệu khi mới ra trường, em nghĩ sau này em sẽ yêu cầu mức lương cao hơn khi nhu cầu cuộc sống tăng lên. Em thấy rất may mắn vì tham dự ngày hội Chuyển đổi số Hướng nghiệp và Việc làm năm 2023 được gặp nhiều doanh nghiệp để có định hướng tương lai cho bản thân. ”
Ông Trần Kim Sang- đại diện phòng nhân sự TP Bank cho rằng biết đây là cơ hội cho nhiều sinh viên và doanh nghiệp sinh viên tìm thấy nhau. Điểm mới lần này là các bạn sinh viên có thể quét mã QR code để nộp đơn ứng tuyển và để lại thông tin cá nhân liên hệ. Đến với sự kiện này, TP Bank có 2 mục tiêu chính: một là tuyển dụng ứng viên và kết hợp chi nhánh mở thẻ mở tài khoản. Cụ thể đã tiếp nhận 200 lượt sinh viên phỏng vấn và 300 lượt sinh viên mở tài khoản và ứng dụng của TP Bank.
Hiện TP Bank đang tìm kiếm các bạn sinh viên thực tập các ngành như khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và kỹ thuật viên hỗ trợ tín dụng. Các bạn sẽ được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại và cơ hội phát triển sau này. Ngoài ra, được mở thẻ miễn phí và nhận quà từ TP Bank.”, ông Trần Kim Sang- đại diện phòng nhân sự TP Bank cho biết.
Mị Dung