Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới. Mỗi khi cần nhập khẩu gạo, nước này sẽ ưu tiên mua của nước láng giềng Ấn Độ. Lần này cũng không ngoại lệ vì Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và quan trọng hơn là nằm sát cạnh Bangladesh và có giá gạo rẻ hơn nhiều so với các xuất xứ khác, nhờ có nguồn gạo dự trữ khổng lồ tích tụ từ mấy năm qua.
Từ vị trí đảm bảo được tự cung tự cấp gạo, Bangladesh năm nay đảo ngược thành nước nhập khẩu lớn loại lương thực này sau khi lũ chồng lũ năm qua đã tàn phá nghiêm trọng các mùa lúa, làm cho các kho dự trữ gạo đều cạn kiệt.
Reuters ngày 5/1 dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực nước này cho biết: “Bộ Lương thực đã quyết định nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tài khóa hiện tại, đồng thời lĩnh vực tư nhân có thể cũng sẽ có cơ hội được nhập khẩu 1 triệu tấn nữa”, và “Ai có mong muốn nhập khẩu gạo thì cần xin giấy phép của Bộ Lương thực trước ngày 10/1”.
Con số 2 triệu tấn nhập khẩu vào Bangladesh là rất lớn nếu so sánh trong tài khóa vừa qua (kết thúc vào tháng 6/2020) nước này chỉ nhập khẩu trên 4.000 tấn gạo. Điều này có thể khiến thị trường gạo thế giới vốn đang “nóng” sẽ càng “nóng” thêm nữa.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Lương thực Sadhan Chandra Majumdar đã thông tin rằng, trong bối cảnh thị trường khan hiếm gạo và giá tăng cao, Bangladesh có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống còn 25%, đồng thời cho phép tư nhân nhập khẩu gạo ở mức độ nhất định để làm tăng lượng dự trữ.
Trước đó, tháng 11/2020, Bangladesh mở thầu quốc tế nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây, với kế hoạch sẽ mua tổng cộng 300.000 tấn gạo dưới hình thức đấu giá để bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước giữa bối cảnh giá gạo tại quốc gia này đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 3 đến nay. Từ đó tới nay, Bangladesh đã mở 5 phiên đấu thầu mua gạo, mỗi phiên mua 50.000 tấn.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 12/2020, Bangladesh đã đàm phán với Ấn Độ để ký thỏa thuận song phương mua 150.000 tấn gạo Ấn Độ. Đây cũng là là thỏa thuận song phương đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây.
B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo ở Ấn Độ cho biết nước ông có thể sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu nhập khẩu của Bangladesh vì giá thấp hơn so với các đối thủ khác.
“Giá gạo của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Việt Nam. Cước phí vận chuyển cũng ở mức tối thiểu. Ngoài ra, các thương nhân cũng có thể vận chuyển gạo qua đường bộ”, ông Rao khẳng định.
Thực vậy, trong khi gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện có giá 381 – 387 USD/tấn, thì giá gạo 5% tấm của Thái Lan lên tới 510 – 516 USD/tấn, và gạo Việt Nam 500 – 505 USD/tấn.
Thậm chí Việt Nam cũng bắt đầu nhập khẩu gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ, sau khi giá trên thị trường trong nước tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây do nguồn cung hạn hẹp. Tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2020 ước tính giảm 1,85% xuống 42,69 triệu tấn (tương đương khoảng 21,35 triệu tấn gạo), theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho do Reuters trích dẫn.
Vì lý do đó, trong cả 5 gói thầu mà Bangladesh chào mua từ tháng 11 đến nay thì Ấn Độ đã giành được toàn bộ, với tổng cộng 250.000 tấn.
Hiện lượng gạo dự trữ trong kho của Chính phủ Bangladesh chỉ còn 530.000 tấn, thấp hơn 500.000 tấn so với ngưỡng quy định dự trữ tối thiểu của nước này.
Trong khi đó, sản lượng gạo vụ Aman – phụ thuộc vào nước mưa – năm nay dự báo giảm tới 15% so với cùng vụ năm ngoái.
Trong báo cáo công bố tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2020/21 sẽ đạt 501,2 triệu tấn (quy xay), cao hơn 1% so với năm trước và là mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, sản lượng của Bangladesh dự báo sẽ giảm 0,55 triệu tấn do lũ lụt nghiêm trọng hồi mùa hè vừa qua.
Tiêu thụ gạo thế giới được USDA dự báo là 500,4 triệu tấn, tăng hơn 1% so với vụ trước. Trong đó, tiêu thụ của Bangladesh dự báo sẽ ở mức 35,8 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với vụ trước và là mức cao kỷ lục. Thương mại gạo toàn cầu năm 2021 dự báo đạt 44,8 triệu tấn, cũng tăng 1,5% so với vụ trước.
Tham khảo: Reuters, USDA
Theo Nhịp sống kinh tế