Theo thông báo của đại diện Văn phòng phía Nam – Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam VOCA, đơn vị hỗ trợ của sự kiện Kết nối giao thương ngành làm đẹp Trung Quốc – ASEAN, ngày 08/05/2024 tại khách sạn REX Sài Gòn sẽ có 500 khách hàng, là chủ các doanh nghiệp liên quan ngành làm đẹp của hai nước Trung Quôc – Việt Nam, từ các thương hiệu, nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà đóng gói bao bì, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ, gặp gỡ và kết nối giao thương.
Sự kiện sẽ được tổ chức bởi Ủy ban Hợp tác ngành Hóa tiêu dùng Trung Quốc – ASEAN (CABC), và China Beauty (www.chinabeauty.cn) tại khách sạn REX – Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm 2024, China Beauty sẽ tổ chức các hội thảo kết nối giao thương ngành làm đẹp Trung Quốc – ASEAN tại ba thị trường quan trọng của ASEAN là Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Thành phố Hồ Chí Minh tại Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên, nhằm tạo cho doanh nghiệp 2 nước Trung Quốc – Việt Nam một nền tảng tương tác quốc tế, các thông tin liên quan ngành làm đẹp mới nhất, đầy đủ nhất và thiết thực nhất, liên kết nguồn lực với kinh nghiệm thực chiến của tất cả các bên, thực hiện xúc tiến và cộng hưởng tích cực lẫn nhau của ngành công nghiệp làm đẹp Trung Quốc – ASEAN.
Tại Tuần lễ mỹ phẩm quốc tế Quảng Châu cuối năm 2023 theo lời mời từ China Beauty, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch VOCA đã chia sẻ về “Cục diện và nhu cầu mỹ phẩm tại thị trường VN”
Thông qua buổi thuyết trình trước hàng trăm doanh nghiệp TQ, VOCA muốn truyền đi thông điệp: Khi nền kinh tế VN tiếp tục cất cánh, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam cũng đang phát triển, điều này sẽ giúp thị trường làm đẹp phát triển mạnh mẽ và các doanh nghiệp mỹ phẩm Trung Quốc sẽ có một thị trường rộng lớn hơn đang chờ đợi. Ngoài ra Việt Nam có nguồn nguyên liệu mỹ phẩm thiên nhiên dồi dào. Đây là lĩnh vực có rất nhiều không gian để các doanh nghiệp TQ đến đầu tư.
CABC do Hội đồng Thương vụ Trung Quốc-ASEAN dẫn đầu và được đồng khởi phát bởi những người đứng đầu các hiệp hội và doanh nghiệp ngành hóa tiêu dùng ở Trung Quốc và các nước ASEAN như Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Lào, và được ra mắt vào 19 tháng 3 năm 2017.
China Beauty (www.chinabeauty.cn) đã hoạt động trong ngành làm đẹp được 20 năm, nay đã phát triển thành một nền tảng kết nối ngành công nghiệp làm đẹp, với năm mảng kinh doanh chính: truyền thông, triển lãm, cộng đồng, livestream và kết nối giao thương quốc tế. Là nhà tiên phong và cổ xuý các xu hướng ngành làm đẹp, China Beauty từ lâu đã đứng đầu trong ngành về việc nắm bắt các thương hiệu mới, kênh phân phối mới và phương thức marketing mới.
Nhiệm vụ của CABC và China Beauty là tận dụng các lợi thế của nhau trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do TQ – ASEAN, cùng thúc đẩy phát triển ngành Hoá tiêu dùng giữa TQ và ASEAN.
Đại diện Ban Hợp Tác Thương Mại Việt – Trung VOCA Phía Nam Lương Vĩnh Trường cho biết, đã có hơn 100 đơn vị DN từ Trung Quốc đăng ký tham gia sự kiện.
Về các công ty sản xuất mỹ phẩm lớn, có thể kể đến như Công ty TNHH Chế phẩm sinh học Cenkon Quảng Châu, một trong những doanh nghiệp chuyên về OEM và ODM mỹ phẩm cho các thương hiệu quốc tế ở vùng Hoa Nam Trung Quốc. Ngoài ra còn có BiYing, TENGYU GROUP, SHIFEI, . . .
Các doanh nghiệp mỹ phẩm TQ qua Việt Nam lần này, ngoài việc tìm hiểu và phát triển thị trường mỹ phẩm Việt Nam, còn mong muốn tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mỹ phẩm “chiết xuất từ thực vật”.
Nhiều thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc có thể còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đang là những thương hiệu được giới trẻ tại Trung Quốc đón nhận như: LAPO, F-SHION, YIMHS, LASUR, WATERCOME, VEIBAO, PINKYPINKY . . . đều sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này.
Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng ngành sản xuất mỹ phẩm Trung Quốc như các nhà cung cấp bao bì đóng gói, nhà cung cấp nguyên liệu mỹ phẩm, cung cấp thiết bị lớn đều tề tựu tham gia hoạt động kết nối giao thương.
Có thể nói, Trung Quốc đang có các nhà máy quy mô lớn, gia công mỹ phẩm cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Để làm được điều này, họ đã có những bước đi bài bản, có chiến lược dài hạn. Họ đi từ khâu đào tạo nguồn nhân lực, phát triển R&D đến một chuỗi cung ứng hoàn thiện để có thể đáp ứng được các đơn hàng có yêu cầu cao về cả số lượng và chất lượng. Nay các DNTQ đã sẵn sàng bước đến giai đoạn xây dựng các thương hiệu mỹ phẩm mang bản sắc Trung Quốc và tiến đến xuất khẩu mỹ phẩm, điểm đến đầu tiên trong chiến lược “ra khơi” của mỹ phẩm Trung Quốc chính là ASEAN, và Việt Nam chính là cửa ngõ quan trọng để các DN TQ khai thác “mỏ vàng” Đông Nam Á.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực gia công, đóng gói cho các đơn hàng phân phối ra thị trường VN và ĐNA , cung cấp các nguồn nguyên liệu thay thế, đặc biệt các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như: dầu dừa, dầu hạt chùm ngây, tinh dầu sả chanh, tinh dầu bạc hà, . . .