Nguyên đơn thành… bị can
Nguyên đơn trong vụ kiện đòi số tiền “khủng” là ông Cao Minh Tân (SN 1966) và bà Phạm Thị Linh Phượng (SN 1967, ngụ TP.HCM). Được biết, cuối tháng 10/2022, ông Tân – bà Phượng đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại thời điểm bị bắt, cặp vợ chồng “doanh nhân” này liên quan đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc Huy Anh (trụ sở tại TP.Vĩnh Long) do bà Phượng làm Giám đốc (GĐ), ông Tân là Phó GĐ.
Theo Cơ quan điều tra, ông Tân – bà Phượng có hành vi giả mạo giấy tờ của các cơ quan chức năng về việc nạo vét, khai thát cát trên sông Tiền (thuộc địa bàn TP.Vĩnh Long) để lừa bán cát cho nhiều người nhằm chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT khám xét nơi ở của ông Tân, bà Phượng (Ảnh: CAND)
Thông tin từ hệ thống đăng ký doanh nghiệp, ông Cao Minh Tân đứng tên và đại diện hàng chục doanh nghiệp có trụ sở, chi nhánh tại các tỉnh Vĩnh Long, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Trong số này, có Công ty Thương mại và xây dựng Minh Linh và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Phong (Công ty Hòa Phong) liên quan đến vụ “kỳ án”.
Theo đơn khởi kiện, từ năm 2013 – 2015, ông Tân – bà Phượng cho Bị đơn là Công ty N.T do bà Nguyễn Thị Quí (mất ngày 26/02/2022) đại diện, vay nhiều lần. Ngày 15/01/2015, hai bên lập “giấy xác nhận nợ” (giấy XNN) nội dung: Bà Quí – Chủ tịch HĐQT Công ty N.T xác nhận có mượn ông Tân – bà Phượng 790,433 tỷ đồng. Nguyên đơn yêu cầu Công ty N.T thanh toán tiền gốc kèm 535,35 tỷ đồng tiền lãi (tạm tính đến ngày 05/11/2018). Sau đó, nguyên đơn rút yêu cầu đòi tiền lãi.
Đại diện bị đơn trình bày: Qua giới thiệu của một lãnh đạo Agribank chi nhánh Bình Chánh, Công ty N.T có vay tiền của Công ty Hòa Phong do ông Tân làm GĐ. Từ tháng 8/2009 đến 4/2011, Công ty Hòa Phong và cá nhân ông Tân – bà Phượng đã cho Công ty N.T vay nhiều lần với tổng số tiền 89,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 16/7/2015, Công ty N.T đã trả nợ cho ông Tân – bà Phượng 66 lần với tổng số tiền 97,275 tỷ đồng, vượt 7,77 tỷ. Điều đó cho thấy “giấy XNN” 790,433 tỷ đồng hoàn toàn bịa đặt. Đây là con số do ông Tân – bà Phượng tự tính “lãi chồng lãi” từ số tiền gốc 89,5 tỷ đồng, theo kiểu “tín dụng đen”.
TAND H.Bình Chánh với HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn ngồi ghế chủ tọa cùng 2 Hội thẩm Võ Hoàng Thu và Nguyễn Thị Nguyên, tuyên Bản án số 16 ngày 13/01/2022: Buộc Công ty N.T trả cho ông Tân – bà Phượng 790,433 tỷ đồng.
Bị đơn, ông Ngô Minh Tuấn và bà Ngô Thị Ngọc Dung (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) cùng có đơn kháng cáo.
Ngày 27/01/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) H.Bình Chánh ký Quyết định kháng nghị Bản án số 16, nêu rõ: Bà Ngô Thị Thanh Loan đã ký vào “giấy XNN” với tư cách là Kế toán trưởng của Công ty N.T. TAND H.Bình Chánh không đưa bà Loan vào tham gia tố tụng để làm rõ những tình tiết trong vụ án là vi phạm tố tụng.
Quá trình giải quyết vụ án, ngoài “giấy XNN”, nguyên đơn không cung cấp được hợp đồng vay tiền, chứng từ, tài liệu thể hiện việc giải ngân, giao nhận tiền. Trong khi phía bị đơn không thừa nhận có vay 790,433 tỷ đồng. Tờ “giấy XNN” do ông Tân – bà Phượng lập sẵn và tổ chức cho nhóm xã hội đen đến Công ty N.T ép buộc bà Quí và bà Loan ký.
Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ để chứng minh tổng số tiền mà bị đơn còn thiếu của nguyên đơn là 790,433 tỷ đồng nên việc TAND H.Bình Chánh tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là chưa có cơ sở.
Kháng nghị, kháng cáo có căn cứ
Tại phiên tòa phúc thẩm (được mở ngày 18/5, 8/6 và 15/6/2023), đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện KSND H.Bình Chánh; chấp nhận kháng cáo của bị đơn và bà Dung, ông Tuấn; hủy bản án số 16 của TAND H.Bình Chánh.
Xem xét toàn diện hồ sơ, HĐXX phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên Bản án phúc thẩm số 666/2023/DSPT (Bản án 666): Hủy Bản án số 16 của TAND H.Bình Chánh để xét xử lại sơ thẩm. Theo HĐXX, kháng nghị của Viện KSND H.Bình Chánh và kháng cáo của Công ty N.T, ông Tuấn, bà Dung là có cơ sở. HĐXX phúc thẩm nhận định: Ông Tuấn và bà Dung đã có đơn yêu cầu độc lập. Cấp sơ thẩm nhận định yêu cầu của 2 người này không phải yêu cầu độc lập nên không chấp nhận giải quyết trong vụ án này là sai quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tước đi quyền đề nghị tòa xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Bà Ngô Thị Thanh Loan – kế toán Công ty N.T, đã ký tên trong “giấy XNN” ngày 15/01/2015 và là người trực tiếp giao nhận tiền của Công ty N.T, làm các thủ tục giao trả tiền cho ông Tân, bà Phượng. Vai trò của bà Loan rất quan trọng để làm rõ nội dung của vụ án, làm rõ từng thời điểm giao nhận tiền. Bà Loan không có quyền lợi nhưng có nghĩa vụ khai báo. Cấp sơ thẩm không đưa bà Loan vào tham gia tố tụng, không lấy lời khai để xác định tư cách tham gia tố tụng của bà Loan. Do giá trị tranh chấp của vụ án rất lớn nên cần thiết phải đưa bà Loan vào tham gia tố tụng là hợp lý.
Theo HĐXX phúc thẩm, giao dịch giữa ông Tân, bà Phượng với Công ty N.T – đại diện là bà Quí, theo “giấy XNN” ngày 15/01/2015 đủ điều kiện có hiệu lực, phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm trả khoản nợ trên là cá nhân bà Quí hay Công ty N.T thì cấp sơ thẩm chưa làm rõ; chưa có tài liệu thể hiện báo cáo tài chính năm gần nhất của Công ty N.T để xác định giá trị tài sản của công ty trước và sau khi bà Quí ký xác nhận nợ ngày 15/01/2015. Từ đó mới có cơ sở xem xét khoản nợ bà Quí ký xác nhận có được bà đưa vào Công ty N.T hay sử dụng vào mục đích cá nhân.
HĐXX phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm có những thiếu sót về mặt tố tụng cũng như nội dung, nên cần hủy bản án, để giải quyết lại sơ thẩm một cách toàn diện, khách quan theo quy định.
Phán quyết của cấp phúc thẩm cho thấy loạt điều tra, phản ánh của Chuyên đề Công an TP.HCM là có cơ sở. Bản án số 16 ngày 13/01/2022 của TAND H.Bình Chánh bị hủy là bài học đắt giá để TAND H.Bình Chánh nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác xét xử, nhằm tránh oan sai, gây mất niềm tin công lý…
(Theo Báo Công An TP.HCM