Làm việc nghĩa tình cần tâm sáng !

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội) được thành lập cách nay vừa tròn một năm. Vượt lên những khó khăn buổi đầu, tập thể những người thiện nguyện đã đoàn kết, sáng tạo vận động nguồn lực xã hội thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội: Tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Phóng viên báo và truyền hình Quân khu 7 đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7).

Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sỹ TP.HCM, tặng hoa cảm ơn các Mẹ VN Anh hùng trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mẹ trong trái tim người lính”. 

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên (PV): 
– Chào Đại tá Nhà báo Trần Thế Tuyển, tổ chức nào khi mới thành lập cũng nhiều khó khăn. Là một tổ chức xã hội của những người thiện nguyện tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội HTGĐ LS TP. HCM đã vượt qua những khó khăn gì để đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận vừa qua?

Đại tá Trần Thế Tuyển ( ĐT TTT):
– Khó khăn thật nhiều. Tổ chức xã hội, thiện nguyện nào cũng thế. Nhưng chúng tôi nghĩ thuận lợi là cơ bản. Chính vì lẽ đó, mà chúng tôi  đạt được một số kết quả bước đầu như mọi người đã thấy.
Thuận lợi thứ nhất, là sự đồng hành của xã hội và nhiệt huyết và cái tâm của người thiện nguyện trực tiếp thực hiện công việc tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Sự đồng hành ấy từ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đến Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Ai cũng biết  tri ân những người có công với đất nước là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế đất nước phát triển, đời sống của nhân dân, trong đó có những người có công với cách mạng được cải thiện một bước đáng kể. Tuy vậy vẫn còn một bộ phận không nhỏ những gia đình, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn. Khó khăn ấy không chỉ là vật chất mà tinh thần mới là điều đáng quan tâm. Đó là hàng vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hàng ngàn liệt sĩ chưa xác định được danh tính và đâu đó vẫn còn những thân nhân liệt sĩ chưa được quan tâm đầy đủ, chưa được bảo vệ quyền lợi chính đáng… Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. HCM ra đời là để góp phần chia sẻ những khó khăn ấy của các gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ.
Thứ hai, đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mà các doanh nhân, doanh nghiệp làm nòng cốt. Có thực mới vực được đạo. Chính nhờ họ mà chúng tôi mới có “thực” để “vực”  cái “đạo” lý: “Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn” này.


PV: – Cụ thể Hội đã đạt kết quả bước đầu gì, thưa ông ?
ĐT TTT: – Đó là kết quả bước đầu về cả hai tiêu chí hỗ trợ gia đình liệt sĩ về tinh thần và vật chất.
Thứ nhất, về tinh thần, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng của TP. HCM và Quân đội nắm lại toàn bộ thực lực “diện chính sách” trên địa bàn. Còn bao nhiêu gia đình liệt sĩ chưa có đầy đủ thông tin về liệt sĩ để từ đó có kế hoạch hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi tìm phần mộ hoặc xác định danh tính liệt sĩ. Chúng tôi tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các cơ quan chức năng, những người thiện nguyện có kinh nghiệm tìm mộ liệt sĩ và các thân nhân liệt sĩ. Sự kết nối này bước đầu có hiệu quả. Các tổ chức thành viên của chúng tôi như Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 16, Trung đoàn 174 … đã kết nối với các đơn vị và địa phương tìm kiếm được hàng trăm phần mộ liệt sĩ ở Tây Ninh, Đồng Nai, Long An… Và, mới đây phối hợp cùng UBND huyện Đắk Tô (Kon Tum) dựng bia tưởng niệm, ghi danh gần 100 liệt sĩ đã hy sinh cách đây hơn 50 năm tại chiến trường Tây Nguyên. Hỗ trợ về tinh thần cho gia đình liệt sĩ, Hội chúng tôi đã phối hợp cùng UBND tỉnh Long An và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 vận động Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tống hợp Đồng Nai (Dona Coop) xây dựng đền thờ liệt sĩ tại Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt thuộc xã Thái Bình Trung huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An với số tiền đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Chương trình nghệ thuật “Mẹ trong trái tim người lính” do Hội phối hợp cùng Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đài Truyền hình TP. HCM thực hiện tháng 12 năm 2020 cũng là điểm nhấn trong việc tri ân liệt sĩ thời gian qua của Hội. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2020) Hội đã giao lưu và tặng quà trị giá hàng trăm triệu đồng cho 76 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sống cùng con cháu tại TP. HCM. Đặc san và trang tin tổng hợp “Linh Khí Quốc Gia” của Hội được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động cũng là kênh thông tin quan trọng để tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Hỗ trợ về vật chất, chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ về tài chính để xây dựng và sửa chữa 50 căn nhà tình nghĩa với số tiền 3 tỷ đồng (đã giải ngân 50%). Không chỉ thế, chúng tôi còn tặng sổ tiết kiệm, trợ cấp cho thương binh nặng, con em liệt sĩ đang gặp khó khăn với số tiền gần 100 triệu đồng. Gần đây, để chia sẻ với các gia đình lao động nghèo, trong đó có các gia đình thuộc diện chính sách, Hội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và báo Công Lý thuộc Toà án nhân dân tối cao tổ chức “Gian chợ không đồng” tại các quận 12, huyện Bình Chánh và Hóc Môn (TP HCM). Với số hàng hoá trị giá trên 500 triệu đồng “ Gian chợ không đồng “ đã chia sẻ khó khăn với gần 2000 gia đình trong đại dịch Covid 19…

Gian hàng 0 đồng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

PV: – Một tổ chức xã hội thường được gọi vui là “tay không bắt giặc” nguyên nhân nào trong thời gian ngắn các ông bà đã thực hiện được kết quả đáng ghi nhận đó?
 ĐT TTT: – Như tôi đã nói ở trên đó là sự đồng hành của toàn xã hội. Tôi xin phép nhấn mạnh thêm về đội ngũ những người thiện nguyện và gia đình của họ trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Hội đồng Tư vấn của Hội. Trước hết phải nói đó là những cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi họ còn làm việc trong hệ thống chinh trị của đất nước. Hầu hết họ đã nghỉ hưu theo chế độ. Lẽ ra, họ được nghỉ ngơi cùng gia đình, con cháu để bù đắp những ngày tháng vất vả phục vụ đất nước. Nhưng nghĩa tình đồng đội, họ tiếp tục dấn thân “làm lính” trong đội quân thiện nguyện, bất kể trước đây họ làm gì?

Đoàn công tác của Hội đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

PV: – Ông có thể nêu vài ví dụ?
ĐT TTT: – Ví dụ như trong Hội đồng Tư vấn có các ông: Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh về chinh trị, Bí thư Đảng ủy Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trung tướng PGS TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc Phòng; Luật sư Trần Văn Sự, nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân TP. HCM; Đại tá Nguyễn Văn Bạch, Trưởng Ban vận động thành lập Hội… Ban Thường vụ Hội có nhiều vị đã từng được giao trọng trách như Đại tá Nguyễn Văn Ái, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP. HCM; Đại tá Nhà báo Trần Đại Ngoạn, nguyên Tổng Biên tập báo Quân khu 7, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Trung tâm Phát thanh và Truyền hình QĐND; Đại tá Lê Thanh Song, nguyên Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7… Nhiều CCB là Tổng giám đốc các doanh nghiệp như: ông Trình Tự Kha, ông Phan Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Đồng Bằng, ông Nguyễn Hoài Nam, ông Nguyễn Thanh Ngà… Cả những người vừa rời nhiệm sở chưa một ngày được nghỉ ngơi hoặc đang đảm nhiệm công việc nhà nước vẫn tham gia Hội như bà Nguyễn Hồng Hà (NB Đan Hà) Thư ký toà soạn báo Công lý Xã hội thuộc Toà án nhân dân tối cao; bà Phạm Thị Út, nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tân Bình…
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến Đại tá Vũ Trường Giang, nguyên Trưởng Đại diện Văn phòng TCCT tại TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội. Là một trong những người đầu tiên xây dựng Hội, đồng chí Giang đã đột ngột ra đi về cõi vĩnh hằng trong khi các dự kiến lo cho gia đình liệt sĩ đang dở dang.

Thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ.

PV: – Tri ân liệt sĩ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ là việc làm thiện nguyện, không chỉ có nhiệt huyết mà quan trọng phải có cái tâm trong sáng. Từ thực tiễn của Hội và cá nhân ông, người đã từng đảm nhiệm vai trò chủ chốt của các chương trình thiện nguyện, ông có thể chia sẻ thêm điều này.
ĐT TTT: – Đúng như bạn nói, điều quan trọng nhất làm thiện nguyện nói chung và tri ân, hỗ trợ gia đình liệt sĩ nói riêng phải có cái tâm trong sáng. Theo tôi hiểu, cái tâm trong sáng, thể hiện trước tiên đó là không vụ lợi. Người làm từ thiện, tri ân không được mượn cớ việc ấy để thực hiện mục đích mang tính vụ lợi.
Thứ hai, làm việc nghĩa tình phải minh bạch, công khai về tài chính, đặc biệt phải giữ được chữ TÍN với xã hội, cộng đồng, đặc biệt với các nhà tài trợ đồng hành.

Đoàn công tác của Hội đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

PV: – Bên cạnh những người thiện nguyện trực tiếp thực hiện công việc tri ân, hỗ trợ gia đình liệt sĩ, những nhà tài trợ đồng hành rất quan trọng. Ông có thể nói đôi điều về họ.
ĐT TTT: – Chúng tôi thường nói vui: Hội như cỗ máy. Máy muốn chạy tốt phải có người điều khiển máy tinh nhuệ và đặc biệt không thể không có xăng dầu. Các nhà tài trợ như người tiếp xăng dầu cho cỗ máy nghĩa tình đó. Họ tiếp “xăng dầu” với cái tâm tri ân liệt sĩ và sự tin tưởng nơi các nhà vận hành cỗ máy đó”. Có nhiều nhà tài trợ, đồng hành với Hội trong công việc thiện nguyện một năm qua, có thể kể đến những nhà tài trợ tiêu biểu như: Madam Đỗ Liên, doanh nhân Nguyễn Thanh Ngà, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, Công ty CP Thuốc lá Sài Gòn … Và, nhiều nhà tài trợ khác họ yêu cầu không nêu danh tính.

Sau một năm hoạt động, Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sỹ TP.HCM đã nhận được nhiều Bằng khen và thư cảm ơn của các Cơ quan, Đơn vị ….

PV: – Khép lại cuộc trò chuyện này, xin ông chia sẻ điều gì mà ông tâm đắc nhất trong công việc thiện nguyện, tri ân, hỗ trợ gia đình liệt sĩ hiện nay?
ĐT TTT: – Không chỉ tâm đắc mà còn là sự trăn trở nữa. Như trên tôi đã nói, do thành tựu của công cuộc đổi mới, đất nước ta hôm nay đã có “của ăn của để”. Trong các thành tựu ấy có việc đời sống của nhân dân, trong đó có các gia đình thuộc diện chính sách cơ bản được cải thiện hơn trước. Nhưng không phải tất cả các gia đình, thân nhân liệt sĩ đã hết khó khăn. Đến các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ ta sẽ gặp những hoàn cảnh khó khăn, cực kỳ khó khăn của các gia đình liệt sĩ. Họ không chỉ đau nỗi đau tinh thần, mất người thân mà còn đương đầu với cuộc sống trăm bề thiếu thốn. “Của cho không bằng cách cho”. Câu dân gian như thế trong trường hợp này không phải là cho mà là tri ân (cảm ơn) các gia đình liệt sĩ. Cụ Hồ đã từng nói: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”. Vì thế cần nhận thức lại việc tri ân gia đình liệt sĩ từ đó có việc làm thiết thực, đúng đạo lý hơn. Vấn đề nữa là quan niệm về đối tượng phục vụ của các tổ chức tri ân liệt sĩ. Theo tôi, đất nước ta chỉ có một danh xưng cao quý LIỆT SĨ. Đó là những người đã hiến dâng tính mạng của mình cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ tổ quốc hoặc vì sự bình yên của nhân dân. Bất cứ gia đình nào có người thân là liệt sĩ (được cấp có thẩm quyền công nhận) đều là đối tượng phục vụ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ . Yếu tố địa bàn, địa phương cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng địa bàn theo phương thức “một miếng khi đói hơn một gói khi no”. Cốt sao việc làm đó thật trong sáng, công tâm và hữu ích .
PV: – Cảm ơn ông Chủ tịch về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này./.

THÀNH NAM DÂN thực hiện

 Theo https://linhkhiquocgia.vn