Lễ khai mạc liên hoan phim sẽ diễn ra vào tối 27-10 tại Nhà hát Thành phố, quận 1, TP.HCM. Bế mạc và trao giải thưởng diễn ra vào 19h30 ngày 29-10 cũng tại Nhà hát Thành phố.
BTC Liên hoan phim ngắn TP.HCM năm 2023 cho biết, Liên hoan phim nhận được 96 tác phẩm tham dự, gồm 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình. Hội đồng giám khảo vòng sơ khảo đã lựa chọn khoảng 1/3 số lượng tác phẩm đạt yêu cầu gửi Hội đồng duyệt phim quốc gia để chọn tác phẩm đạt yêu cầu vào vòng tranh giải.
Sự kiện do UBND TP.HCM tổ chức theo kế hoạch số 4340/KH-UBND, Hội Điện ảnh TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện.
Thời gian diễn ra Liên hoan phim ngắn TP.HCM cũng là dịp kỷ niệm ngày truyền thống của điện ảnh Nam Bộ, ngày Chánh ủy Khu 8 Nguyễn Văn Bình ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh và Nhiếp ảnh Nam Bộ và thành lập Hội Điện ảnh TP.HCM.
Liên hoan phim ngắn TP.HCM 2023 được định hướng là một sự kiện điện ảnh chuyên nghiệp tổ chức thường kỳ 2 năm một lần. Biểu tượng của liên hoan là “con ong”. Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM làm Trưởng ban tổ chức sự kiện. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, trưởng phòng nghệ thuật – Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM là phó ban tổ chức.
Trong khuôn khổ liên hoan phim sẽ có các hoạt động chiếu phim dự thi các hạng mục phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình tại 3 địa điểm là cụm rạp Cinestar Hai Bà Trưng, Nhà văn hóa Thanh niên, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM (đều ở quận 1).
Hoạt động chấm giải chia làm vòng sơ tuyển và vòng tranh giải. Các phim ngắn vượt qua vòng sơ tuyển sẽ được công chiếu trước những chuyên gia hàng đầu trong ngành điện ảnh và trước đông đảo khán giả để tìm ra những phim hay nhất vào từng hạng mục trao giải.
Tiêu chí phim gửi dự thi là được thực hiện trong các năm 2020, 2021, 2022, 2023. Độ dài tối đa lần lượt là 15 phút (đối với phim tài liệu), 10 phút (phim hoạt hình), 45 phút (phim truyện).
Phim có ngôn ngữ thể hiện là tiếng Việt; chưa tham dự liên hoan phim khác; không vi phạm các quy định của Luật Điện ảnh và Luật Báo chí. Chủ sở hữu hoặc tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm.
Giải thưởng cao nhất là giải Phim xuất sắc nhất Liên hoan phim ngắn TP.HCM, không phân biệt loại hình.
Giải này là một giải duy nhất, và phim đoạt giải sẽ được hỗ trợ gửi đi tham dự ít nhất một liên hoan phim quốc tế trong khu vực hoặc trên thế giới.
Bên cạnh đó, mỗi hạng mục sẽ có giải Ong vàng, Ong bạc (tương đương giải nhất, giải nhì), 3 giải ba và 3 giải khuyến khích; giải thưởng Ban giám khảo và các giải dành cho các thành phần sáng tạo (đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên, kịch bản, quay phim, họa sĩ).
Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM Dương Cẩm Thúy, Trưởng BTC cho biết, sau thời gian phát động, BTC đã nhận được 96 tác phẩm tham dự, gồm 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình. Các tác giả gửi phim tham dự đa dạng đối tượng, bao gồm các nhà làm phim chuyên nghiệp và các bạn trẻ tại TP.HCM và các tỉnh, thành với đề tài phong phú, đa dạng, từ phim lịch sử và truyền thống cách mạng, đời sống xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh Covid-19,…
Hội đồng giám khảo vòng sơ khảo đã chấm và lựa chọn khoảng 1/3 số lượng tác phẩm tham dự gửi Hội đồng duyệt phim quốc gia. Sau khi có giấy phép từ Hội đồng thẩm định và phân loại phim, các phim sẽ vào vòng tranh giải. Trong thời gian này, các phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng tại các cụm rạp của Cinestar (Hai Bà Trưng và Nguyễn Trãi), Nhà Văn hóa Thanh niên cùng các đài truyền hình: TP.HCM, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Trị…
Trong khuôn khổ Liên hoan, còn có tọa đàm “Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TP.HCM” sẽ diễn ra ngày 28.10, tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM. Ngoài ra còn có các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các thế hệ làm phim gạo cội với các nhà làm phim trẻ; phát hành kỷ yếu Liên hoan phim…
Ngoài ra, Liên hoan phim ngắn TP.HCM 2023 còn có tọa đàm với chủ đề “Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TP.HCM” vào ngày 28-10, tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3).
Tọa đàm sẽ quy tụ các chuyên gia, giảng viên, các đại biểu dự liên hoan phim, người hoạt động lĩnh vực điện ảnh… Tọa đàm bàn về ngôn ngữ, phương tiện chuyển tải, phương thức phản ánh cuộc sống và triển vọng phát triển phim ngắn.
Tọa đàm cũng ghi nhận đóng góp của phim ngắn trong tuyên truyền, quảng bá, vận động cho nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Mị Dung