“Ngay bức tranh mà họa sĩ Đinh Trường Chinh (con trai cố họa sĩ Đinh Cường) vẽ bìa cho tác phẩm “Ngẩng mặt nhìn mặt” đã nói lên gần như toàn vẹn ý nghĩa của tác phẩm.”, tác giả Mị Dung nói.
“Tác phẩm của một cô gái cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối. Nó không chỉ có trăng và rừng, sông và suối… mà còn là nỗi niềm của kẻ thắng người thua, của mặt hoa mặt người, âm binh và bội phản…”
Đó là những gì mà nhà văn Nguyễn Trí đã nói về “Ngẩng mặt nhìn mặt”, tác phẩm đầu tay của nữ văn sĩ trẻ Mị Dung vừa được cho ra mắt mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
Đọc tác phẩm của cô, người ta nghe hơi hướng như giọng văn của một cô bé mới lớn với cặp mắt ngây ngô tròn xoe khi nghe người lớn kể chuyện, dù với tôi, cô là một nữ phóng viên khá dày dặn kinh nghiệm.
Nội dung truyện xoay quanh cuộc mưu sinh của những con người ở cả hai phía, bên thua và bên thắng sau cuộc chiến 1975. Không quá gây cấn nhưng lại thu hút bởi những tình tiết rất đời thường, đôi khi rất cảm động…
Nữ văn sĩ trẻ chia sẻ: “Ngẩng mặt nhìn mặt” được sáng tác vào thời điểm năm 2020 khi mà cả nước đang rơi vào đại dịch Covid, trong chuyến được đặc cách trở về quê hương Bình Định của mình, cô đã được nghe và ghi lại những câu chuyện của những người trong cuộc, những người trở về từ cuộc chiến… Có những người đến nay đã qua đời, thế nhưng “với cái nhìn trực diện vào mọi vấn đề, không khoan nhượng, đôi chỗ quyết liệt”(Nhà văn Lê Hoài Lương), tác giả Mị Dung vẫn đem đến cho người đọc một cuốn sách mang hương vị của đất và người Bình Định. Một cuốn sách đậm đặc đời sống xã hội một thời, đời sống gia đình, những hệ lụy chiến tranh, hậu chiến… có cao thượng, thấp hèn, có tệ nạn, có nỗ lực vươn lên…
Nói về cô, nhà văn Nguyễn Trí đã phát biểu rằng: “Văn chương đó là thứ phải đam mê phải say đắm lắm mới có thể viết được vì cô gái ấy mới chỉ ngoài 30 chút, tức là sau cuộc chiến 1975 cô ấy vẫn chưa ra đời, đây là một cuốn sách đáng để chúng ta mất thời gian với nó…”
“Tôi rất ngạc nhiên, tại sao Mị Dung có thể viết một tác phẩm với một nội dung khi mà cô ấy chưa ra đời. Thế nhưng cuốn sách rất cuốn hút, tuy không có những mâu thuẫn đỉnh điểm nhưng có một điều rất lạ là càng đọc càng gần gũi về một thời kỳ mà cô bé không hề biết, đó là những trăn trở của những con người sau cuộc chiến…” – GS.TS Đào Văn Lượng, Giảng viên ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhận xét.
“Tôi đã đi lượm lặt, ghi chép, xâu chuỗi gần 3 năm ròng”. Mị Dung nói – “Tôi viết về hậu chiến với trái tim đầy nữ tính của một cô gái miền đất võ Bình Định và tôi muốn dâng một đóa hoa đồng nội cho tình yêu hòa bình của nhân loại…”.
Nhà văn Nguyễn Một cho rằng, truyện không mới về cốt truyện, nhưng bằng ngòi bút khá nữ tính, ta thấy được sự nhân văn trong từng câu chữ mà tác giả gửi gắm, những đoạn văn như tự tình của quê hương đẹp và buồn. Với nhà báo Vân Phi thì viết về đề tài lịch sử luôn là một thách thức, nhất là với người trẻ. Bởi ngoài tố chất văn, khả năng sáng tạo, thì vốn trải nghiệm là điều hết sức quan trọng.
Mị Dung tên thật Đỗ Thị Mỹ Dung, sinh năm 1991, nguyên quán Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Cô tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 2013 và hiện sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Cô đã từng là phóng viên của báo Giao thông, Pháp luật Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Hiện nay cô đang công tác tại Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập.