Điều đó cho thấy hiện tại, trong bộ máy của chúng ta có rất ít hay toàn là những cán bộ thuộc “tầm trung”, cố gắng lắm thì gánh vác nổi công việc được giao, chứ hoàn toàn không thể làm nên những đột phá.
Có mấy vấn đề đặt ra xung quanh chiến lược này. Thứ nhất, thế nào là nhân tài? điều này cần một cơ quan có đủ thẩm quyền định nghĩa, quy định cụ thể về năng lực, phẩm chất của nhân tài. Nhân tài có nhất thiết phải có nhiều bằng cấp cao như thạc sỹ, tiến sỹ không? nhất là trong thời buổi bằng cấp đang trở thành vấn nạn, mà hơn năm mươi trường hợp dùng bằng giả của trường Đại học Đông Đô để làm luận án tiến sỹ là một ví dụ tiêu biểu. Không có định nghĩa rõ ràng đó, thì mọi đánh giá về một ai đó có phải nhân tài hay không, đều chỉ mang tính chủ quan của một số cá nhân hay tổ chức.
Thứ hai, đã là nhân tài, thì phải được trọng dụng ngay, cụ thể là phải được giao ngay những chức vụ lớn, có quyền hành lớn mà không cần đợi tuổi hay thời gian công tác. Bởi chỉ ở những cương vị cao, có quyền hành lớn, thì nhân tài mới thi thố, phát huy được tài năng của mình. Nếu bố trí nhân tài vào làm việc dưới quyền những kẻ bất tài, rồi cứ thế ba năm lên lương, lên cấp một lần, thì chắc chắn tài năng đó sẽ bị cùn mòn đi theo thời gian.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất coi trọng công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm, điều động luân chuyển giữa các vị trí quan trọng. Điển hình như ngày 17/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Dũng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông. Ông Dũng là Thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam, khi bổ nhiệm, ông 37 tuổi. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Rất lâu rồi, Bộ TTTT mới có một thứ trưởng xuất phát chuyên ngành về CNTT. Việt Nam muốn trở nên hùng cường, thịnh vượng, phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó công nghệ số chiếm vai trò quan trọng. Do vậy, ngành TTTT rất cần đến những cán bộ được đào tạo một cách bài bản theo đúng chuyên ngành như ông Dũng”.
Thứ ba, với những nhân tài nhưng không phải đảng viên, thì sử dụng như thế nào? hiện tại, các đầu ngành ở cấp xã đều phải là đảng ủy viên. Từ chức phó phòng cấp huyện trở lên đều phải có “tiêu chuẩn đầu tiên” là đảng viên. Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh bắt buộc phải là Phó bí thư huyện ủy, tỉnh ủy. 100% thành viên chính phủ là đảng viên. Trong gần 600 đại biểu Quốc hội, chỉ lác đác một vài người không phải đảng viên. Thế thì nhân tài là người ngoài đảng còn chỗ nào mà chen chân vào? Trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, chỉ có rất ít người là đảng viên, điển hình là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và có nhiều các nhân sỹ trí thức không cùng đảng phái hay người của các đảng khác. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng các vị ấy đều là nhân tài đích thực. Sinh thời, cố Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng Lê Khả Phiêu từng có câu nói: “Bộ trưởng không nhất thiết phải là đảng viên”.
Vậy chính sách, cách làm đột phá như thế nào để chuẩn hóa tiêu chí nhân tài, nhất là người tài không phải là đảng viên, để họ tâm huyết cống hiến, đóng góp như những đảng viên thực thụ và sẵn sàng đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân. Nếu không vượt qua được những rào cản trên, thì việc thu hút, trọng dụng nhân tài rồi cũng sẽ chỉ là khẩu hiệu.
Theo Bút Thép
Nguồn tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập