Những phiên đấu giá gây sốc nhất năm 2020

Có những phiên đấu giá gây bất ngờ, có những phiên đấu giá “hot” và cũng có những phiên đấu giá mang về khoản lãi lớn cho nhà đầu tư…

Năm 2020 khép lại, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận nhiều sự kiện, nhiều điểm nhấn đặc biệt, kể cả trên phương diện những phiên đấu giá cổ phần. Trên cả 2 sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều phiên đấu giá thành công với nhiều trăm triệu cổ phiếu được bán ra.

Khoảng 10.000 tỷ đồng tiền thu về từ các phiên đấu giá

Theo thống kê, không kể những phiên đấu giá bị hủy do không có nhà đầu tư đăng ký mua, hoặc các lý do khác, chỉ tính riêng những phiên đấu giá thành công với việc có cổ phần được bán ra, sàn HoSE đã diễn ra 15 phiên với hơn 235 triệu cổ phiếu được đưa ra chào bán, các nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng gần 448 triệu cổ phiếu và số cổ phiếu được bán thành công hơn 317 triệu đơn vị – tỷ lệ thành công gần 95%. Tổng giá trị tiền thu về gần 6.900 tỷ đồng.

Còn sàn HNX cũng diễn ra 16 phiên đấu giá thành công với gần 97 triệu cổ phần mang ra chào bán. Các nhà đầu tư đã đăng ký mua hơn 227 triệu cổ phần, và tổng số cổ phần bán được hơn 92 triệu đơn vị, chiếm khoảng 85% tổng số cổ phần mang ra chào bán. Tổng giá trị tiền thu về hơn 3.000 tỷ đồng.

Phiên đấu giá có giá trị lớn nhất năm

Phiên đấu giá có giá trị lớn nhất là 108 triệu cổ phần IDC của Tổng Công ty Idico do Bộ Xây dựng đưa ra chào bán. Giá khởi điểm 26.930 đồng/cổ phiếu. Các nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng 126 triệu cổ phần, tăng 16,7% so với số cổ phần mang ra chào bán. Kết quả, toàn bộ 108 triệu cổ phần đã được bán với giá bình quân 26.936 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 2.900 tỷ đồng.

Phiên đấu giá có giá trị lớn thứ 2 cũng thuộc về phiên đấu giá thoái vốn của Bộ Xây dựng tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (CC1). Có hơn 44,58 triệu cổ phần được đưa ra chào bán với giá khởi điểm 23.030 đồng/cổ phần, và toàn bộ số cổ phần được bán hết, thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn trên sàn HNX, phiên đấu giá có giá trị lớn nhất năm 2020 là phiên đấu giá cổ phần HUD Kiên Giang do Tổng Công ty đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUDX) sở hữu. Có hơn 34,84 triệu cổ phiếu được đưa ra chào bán trọn lô với giá khởi điểm 34.000 đồng trên mỗi cổ phần. Kết quả, có 3 nhà đầu tư đăng ký mua, tổng khối lượng hơn 104 triệu đơn vị. Giá đấu thành công bình quân 1.185 tỷ đồng – tăng nhẹ so với giá khởi điểm.

Phiên đấu giá “hot” nhất năm

Quán quân về độ “hot” của các phiên đấu giá trong năm 2020 lại thuộc về Tổng CTCP Xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEJ) do SCIC thoái vốn trọn lô. Có 2.156.000 cổ phần được đưa ra chào bán với giá khởi điểm 26.700 đồng/cổ phần. Số cổ phần SCIC mang ra đấu giá chiếm 49% vốn điều lệ của HEJ.

Kết quả, các nhà đầu tư đăng ký mua đến hơn 28 triệu cổ phần, gấp 13 lần số cổ phần mang ra chào bán. Giá đấu thành công bình quân cũng gấp 3,2 lần giá khởi điểm, lên đến 86.100 đồng/cổ phần, thu về hơn 185 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn của HEJ thời điểm đó có lẽ là hơn 17.000m2 đất tại các tỉnh thành do Tổng công ty quản lý, bao gồm lô đất rộng gần 2.060m2 tại số 2, ngõ 95 phố Chùa Bộc, Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, là trụ sở làm việc, là đất thuê trả tiền hàng năm có thời hạn 50 năm kể từ năm 2007; Lô đất rộng gần 2.620m2 tại số 95/8116 phố Chùa Bộc, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, là trụ sở làm việc HEC14, là đất thuê trả tiền hàng năm; Lô đất rộng 4.359m2 tại Thị trấn Bần, Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, là kho lưu giữ thiết bị vật tư, do Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2042; Lô đất rộng 2.905m2 tại số 10 Tân Lập, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, là trụ sở làm việc HEC15 – là đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm có thời hạn đến tháng 1/2047 và lô đất rộng gần 4.607m2 tại số 100 Mai Hắc Đế, Tp Vinh, Nghệ An, là trụ sở làm việc HEC16 – là đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm đến tháng 9/2029.

Đến nay, sau hơn 1 năm khi SCIC thoái vốn, giá cổ phiếu HEJ vẫn duy trì dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản rất thấp.

Phiên đấu giá “hot” nhất trên HoSE trong năm 2020 vừa qua lại thuộc về Chăn nuôi Tiền Giang do SCIC đưa ra chào bán. Trên thực tế năm 2020 vừa qua SCIC đã 2 lần đưa cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang ra bán đấu giá trọn lô, và đều thành công.

Lần thứ nhất, tháng 7/2020 SCIC đưa gần 5 triệu cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang ra bán đấu giá trọn lô với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Kết quả, có 4 nhà đầu tư tranh mua. Toàn bộ số cổ phần được chào bán thành công với giá 20.600 đồng/cổ phiếu – hơn gấp đôi giá khởi điểm, thu về hơn 102 tỷ đồng.

Tiến đó, tháng 10/2020 SCIC tiếp tục đưa gần 5 triệu cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang ra bán đấu giá với giá khởi điểm 13.200 đồng/cổ phần. Có đến 7 nhà đầu tư đăng ký tham gia, toàn bộ số cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân 21.200 đồng/cổ phần, thu về hơn 105 tỷ đồng.

Phiên đấu giá gây bất ngờ nhất

Trên thực tế, dù Chăn nuôi Tiền Giang hay HEJ được tính là những phiên đấu giá “hot” nhất do tỷ lệ số cổ phần đặt mua cao nhất so với số cổ phần mang ra chào bán. Nhưng nếu không phải là phiên đấu giá trọn lô, thì cổ phần An Phát Holdings (APH) mới là phiên đấu giá “hot” nhất.

Có 4,3 triệu cổ phiếu được mang ra chào bán với giá khởi điểm 25.000 đồng/cổ phần. Các nhà đầu tư đăng ký mua đến 20,7 triệu cổ phần, gần gấp 4 lần số cổ phần mang ra chào bán. Giá đấu thành công bình quân cũng gấp đôi giá khởi điểm, thu về hơn 215 tỷ đồng.

Những phiên đấu giá nhanh “lãi” nhất

Năm 2020, nhà đầu tư cũng thường nhắc đến cổ phiếu CTR của Tổng Công ty Công trình Viettel. Cổ phiếu này vốn có “sức hút” khi tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2020. Do vậy khi Viettel thông báo đưa 7,75 triệu cổ phần ra bán đấu giá, nhiều nhà đầu tư sẽ không nghĩ đến kịch bản “ế”.

Tuy nhiên, phiên đấu giá gần 7,75 triệu cổ phần CTR với giá khởi điểm 46.600 đồng/cổ phiếu vẫn chỉ có hơn 4,42 triệu cổ phần được đăng ký mua, chiếm khoảng 53% tổng số cổ phần mang ra chào bán dù giá khởi điểm tại thời điểm đó thấp hơn thị giá. Giá đấu thành công bình quân cũng chỉ xấp xỉ với giá khởi điểm.

Sau đấu giá, cổ phiếu CTR tiếp tục tăng mạnh, và kết thúc năm 2020 ở mức 68.600 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 47% so với giá đấu thành công bình quân trong phiên đấu giá vừa qua.

Những phiên đấu giá gây sốc nhất năm 2020 - Ảnh 1.
Diễn biến giá cổ phiếu CTR trong 1 năm gần đây.

Những phiên đấu giá “ế ẩm”

Trong năm 2020 vừa qua, ngoài những phiên đấu giá bị hủy không thực hiện, thì vẫn có 7 phiên đấu giá không bán hết cổ phần đưa ra, trong đó 4 phiên trên sàn HoSE và 3 phiên trên sàn HNX. Đầu tiên là phiên đấu giá 37,5 triệu cổ phần Biwase (BWE) tăng vốn điều lệ, các nhà đầu tư chỉ mua hết chưa đến 34 triệu cổ phần, chiếm hơn 90% tổng lượng cổ phần mang ra chào bán. Trên HNX phải kể đến đấu giá cổ phần Công trình Viettel (CTR) do Viettel sở hữu.

Những phiên không bán hết cổ phần còn lại là các phiên IPO của Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (HGR), của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thông (HAW), Trung tâm quy hoạch kiến trúc tỉnh Hậu Giang, CTCP Tư vấn thiết kế Viettel (VTK) và CTCP Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh do UBND tỉnh Quảng Ninh sở hữu.

Trong đó “ế nhất là phiên IPO Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường khi các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 15.000 cổ phần trong tổng số hơn 1,17 triệu cổ phần mang ra chào bán và phiên IPO Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khi các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 61.500 cổ phần trong tổng số hơn 14,3 triệu cổ phần mang ra chào bán.

Khép lại năm 2020

Năm 2020 khép lại, bắt đầu cho năm mới 2021. Các nhà đầu tư sẽ còn nhiều kỳ vọng cho năm mới, trong đó những ngày đầu năm, phiên đấu giá cổ phần Vocarimex (VOC) do SCIC sở hữu được “lùi” lịch lại vào ngày 7/1/2021.

Thạch Lâm

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị