VMED là tập đoàn công nghệ y tế, gồm công ty mẹ VMED Group và các công ty thành viên (Infomed, Vietmedical), hoạt động trong 4 lĩnh vực: Phát triển giải pháp công nghệ thông tin y tế; phân phối thiết bị y tế; sản xuất các thiết bị, sản phẩm tiêu hao trong y tế và đầu tư chuyên sâu trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Infomed đang xây dựng một hệ sinh thái trên nền y tế số với các giải pháp tổng thể thông minh: Giải pháp quản lý thông tin bệnh viện (HIS – Khoa Việt); Bệnh án điện tử CLAS Healthcare; Hệ thống PACS – lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế; Hệ thống khám chữa bệnh từ xa Tele – Medicine…
Trí thức Trẻ đã có dịp phỏng vấn ông Ngô Thanh Sơn, Phó Tổng Vmed Group, Trưởng làng Công nghệ y tế tại Techfest 2020 về cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế.
Là một trong các công ty cung cấp các giải pháp công nghệ y tế, ông nhìn nhận trong năm qua khi đại dịch Covid đến, tốc độ ứng dụng chuyển đổi số của ngành y tế có thay đổi không?
Thực sự thay đổi. Thậm chí ngành Y phải có lời cảm ơn Covid vì trong chuyển đổi số, cái khó nhất không phải vấn đề công nghệ mà là con người có chấp nhận sử dụng cái mới không, có dám thay đổi mình để thích nghi với cái mới không. Nhờ Covid mà chúng ta buộc phải thay đổi, không có cách nào khác, các giáo sư sẵn sàng ngồi từ xa chẩn đoán cho người bệnh, cách bệnh viện họp hành giao ban trực tuyến hàng ngày, việc áp dụng các ứng dụng mới như bluezone của Bộ Y Tế cũng rất dễ được mọi người chấp nhận và triển khai.
Vậy VMED đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế như thế nào?
Chúng tôi mang lại một kiến trúc mới cho hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, giúp triển khai bệnh viện thông minh. Thứ hai là đẩy mạnh bệnh án điện tử (công ty cổ phần Infomed Việt Nam thuộc tập đoàn VMED đã tích cực phát triển và triển khai thành công giải pháp bệnh án điện tử CLAS Healthcare – giải pháp đã được triển khai thành công tại BV ĐK khu vực Long Khánh chỉ trong vòng 4 tháng). Đồng thời chúng tôi triển khai các giải pháp để các bệnh viện khi có số liệu rồi dùng để tối ưu công việc quản lý khám chữa bệnh và thực hiện khám chữa bệnh.
Vậy tốc độ triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện trên cả nước như thế nào thưa ông?
Tốc độ triển khai của cả ngành mới những bước đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm.
Trung tâm khám bệnh từ xa của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khai trương tháng 9/2020 kết nối trực tuyến với 47 điểm cầu ở các cơ sở y tế thuộc 13 tỉnh, thành, gồm Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai…Hệ thống Telemedicine này xây dựng bởi công ty Infomed thuộc VMED, ông có thể chia sẻ về nền tảng Telemedicine này, điểm khác so với hệ thống Telehealth của Viettel?
2 khái niệm Telehealth và Telemedicine có nhiều việc trùng lặp nhau, Viettel làm theo hướng từ phòng họp đến phòng họp, tức là khi bệnh viện tuyến dưới có một ca đăng ký lên trên phòng họp xin phép hội chẩn như thế nào, tuyến trên lập hội đồng từ xa phân tích ca bệnh. Chúng tôi nhìn thấy việc này tạo ra cú hích rất lớn tới Telemedicine nhưng nó mang tính đào tạo nhiều hơn, các bác sĩ tham gia vào phiên hội chẩn đấy học được cách mà các thầy ở tuyến trên chẩn bệnh như thế nào, nhưng không giải quyết được vấn đề người bệnh hàng ngày. Một người bệnh nằm 5-10 ngày trong bệnh viện, hàng sáng phải diện kiến bác sĩ cho thuốc ra làm sao, thì cái này không giải quyết được.
Vimed xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu. Giá trị nổi bật của giải pháp này là khả năng kết nối dữ liệu bệnh nhân tuyến dưới đến trung tâm theo thời gian thực. Cụ thể, bác sĩ ở tuyến trên có thể trực tiếp theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân thông qua các thiết bị công nghệ cao, đáp ứng đúng và toàn diện các yêu cầu chuyên môn sâu trong quá trình khám, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Nhờ công nghệ “chuyển tuyến số”, người bệnh dù nằm điều trị tại bệnh viện địa phương song vẫn được bác sĩ tuyến trung ương thăm khám, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị. Như vậy, người bệnh sẽ tiết kiệm khoản chi phí chuyển viện, bớt nguy cơ gặp rủi ro trong quá trình đi lại, đặc biệt trong những tình huống bệnh nguy cấp. Nói cách khác, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên – tuyến trung ương ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới với chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc chuyển viện.
Chúng tôi đã triển khai hệ thống Telemedicine tại Trung tâm 29 Bạch Mai, khoa ICU tại Đại học Y, có một trung tâm tại Bà Rịa Vũng Tàu kết nối trực tiếp với Côn Đảo, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đa khoa trung tâm Thái Nguyên để kết nối toàn bộ các tỉnh Đông Bắc Việt Nam.
Tôi thấy một số bệnh viện lớn tuyến trung ương hiện nay không dùng thẻ, người bệnh đến vẫn phải thu tiền mặt. Chỉ riêng việc nhỏ như vậy còn khó áp dụng chuyển đổi số, trong khi đó, chủ trương của ngành y giai đoạn 2025-2030 tiến đến 3 không (không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt) liệu có thực hiện được không?
Chúng tôi tin tưởng làm được.
Về điều kiện khách quan, qua Covid ngành Y nhìn thấy chuyển đổi số là điều bắt buộc và dễ dàng sử dụng công cụ kỹ thuật số để làm việc. Ngành Y mạnh mẽ trong việc chỉ đạo chuyển đổi số, Bộ trưởng mới Đỗ Thanh Long cực kỳ tâm huyết và quyết liệt với việc chuyển đổi số tại các bệnh viện. Tiến tới Việt Nam không có chuyện người bệnh chạy đến bệnh viện mà có thể đăng ký từ xa. Bao nhiêu năm chúng ta không làm được việc định danh người bệnh thì nay tôi tin rằng với sự chỉ đạo của Bộ Y Tế, và sự dễ dàng chấp nhận áp dụng kỹ thuật số của người dân thì mục tiêu 3 không có thể hoàn thành trước năm 2030.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội khởi nghiệp trong ngành Y tế (medtech)?
Khởi nghiệp trong lĩnh vực medtech công nghệ y tế cực kỳ thách thức nhưng cũng có cơ hội, chúng ta phải có chuyên sâu về ngành, về chuyên môn khám chữa bệnh. Nhưng cái khó nhất là tạo ra nền tảng thay đổi cách làm cũ, trong medtech là thay đổi thói quen khám chữa bệnh của hàng triệu người, mỗi năm chúng ta có 150 triệu lượt khám, làm sao thay đổi là cực kì khó.
Cơ hội khởi nghiệp trong medtech cực kỳ lớn, bởi vì nhu cầu của toàn thể xã hội, từ cơ sở y tế, người bệnh, cơ quan quản lý nhà nước làm sao ứng dụng công nghệ vào để công việc khám chữa bệnh dễ dàng hơn, và ít tốn kém hơn cho tất cả mọi người. Nhu cầu của xã hội rất lớn. Ngày 23/11, Thứ trưởng Trần Văn Tuấn ký phê duyệt Đề án phát triển hệ tri thức số cho y tế trong đó giao nhiệm vụ cho Cục thông tin đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y, điều này tạo ra vô vàn cơ hội cho khởi nghiệp để đóng góp tri thức cho ngành y tế.
Chúng tôi mong rằng ngành Y sẽ tới gần công nghệ hơn, ngành Y chia sẻ nhu cầu, công nghệ hiểu khách hàng cần gì để giải bài toán cho chính xác, mở ra cơ hội cho các startup đưa ra các ý tưởng và sản phẩm mới.
Vinmed có đầu tư vào các startup Y tế không?
Vimed trong mấy năm vừa rồi có đầu tư vào các statup trong lĩnh vực y tế như bệnh án điện tử (Informed). Chúng tôi nhìn thấy một số startup tiềm năng nhưng vì các bạn tiếp cận vấn đề chưa được chính xác thì hai bên cần thời gian hợp tác được với nhau để tận dụng công cụ có sẵn để giải quyết các bài toán của ngành Y.
Xin cảm ơn ông.
Theo Trí thức trẻ