Sàn giao dịch BERTHAR “ôm” tiền của nhà đầu tư bỏ trốn!

Sau khi nộp tiền và giao dịch trên sàn BERTHAR  (tên đầy đủ là BERTHAR  holding limlted), một số nhà đầu tư không thể rút tiền ra, hệ thống giao dịch thì sập, môi giới cũng “lặn mất tăm”.

Sàn giao dịch BERTHAR  “ôm” tiền của nhà đầu tư bỏ chạy.

Thời gian gần đây, việc các sàn giao dịch BO, tiền ảo, app tài chính lừa đảo nhà đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể, mới đây sàn giao dịch BUSSTRADE với cam kết bảo lãnh vốn cùng cam kết lợi nhuận 30% 1 tháng “SẬP” khiến hàng nghìn nhà đầu tư khốn đốn, số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Vụ việc BUSSTRADE còn chưa lắng xống thì mới đây, Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống nhận được phản ánh về sàn giao dịch có tên BERTHAR với trang web là: https://www.berthara.com/ có dấu hiệu dụ dỗ người chơi nộp tiền vào sau đó chiếm đoạt tài sản người tham gia.

Vừa qua, ngày 1/11/2021, trao đổi với Phóng viên, Anh Long ( ngụ tại Tp.HCM) cho biết: “ngày 18/10/2021 tôi nộp tiền đầu tư 2.000 USD (Khoảng 46 triệu đồng) vào sàn BERTHAR sau đó giao dịch và lời thêm 1.700 USD. Cho đến ngày 29/10/2021, khi không thể làm lệnh rút tiền ra thì tôi có liên hệ với người hỗ trợ để rút tiền, tuy nhiên các tài khoản này đều đồng loạt ‘mất tích’ hoặc không trả lời. Hiện tại số tiền cả gốc lẫn lãi của tôi trong sàn là 3.700usd (Khoảng 82 triệu đồng) đang có nguy cơ mất trắng”.

Tài khoản của anh Long trong đó có hơn 3.700 USD nhưng không thể giao dịch hay rút tiền (ảnh do người bị hại cung cấp).
Tuy nhiên, tại phần rút tiền số tiền được hiển thị = 0 (ảnh chụp màn hình)

Theo anh Long, khi kiểm tra thông tin trên trang chủ của sàn, số tiền trong tài khoản của anh hiển thị là 3,736.14$, tuy nhiên khi vào phần rút tiền thì số tiền lại được hiển thị là con số 0.

Được biết, anh Long là khách giao dịch thâm niên với rất nhiều sàn trước đây. Điều đáng nói là phần mềm giao dịch của sàn đã “đóng băng” kể từ ngày 30/10/2021, vậy đây có phải là dấu hiệu cho thấy sàn BERTHAR đã can thiệp và ôm tiền của các nhà đầu tư tại Việt Nam hay không?

Môi giới tự giới thiệu sàn đến từ nước ngoài và đang phát triển khách hàng tại Việt Nam, bên phải là tài khoản ZALO của môi giới sàn BERTHAR (Ảnh chụp màn hình)

BERTHAR  và các dấu hiệu lừa đảo

Theo lời giới thiệu trên website: https://www.berthara.com/, BERTHAR  là sàn giao dịch đến từ Anh Quốc và có giấy phép hoạt động của Mỹ. Người chơi tham gia giao dịch trên nền tảng MT5. Sàn cung cấp các cổng thanh toán (Nộp/rút tiền) bằng Ví điện tử USDT, ví ngân lượng, và ngân hàng nội địa Việt Nam.

Tuy nhiên, Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên. Trên trang chủ không hề có bất cứ thông tin liên hệ nào. Thông thường, nếu là sàn giao dịch nước ngoài thì BERTHAR  phải ghi rõ địa chỉ trụ sở của mình tại nước Mỹ, hơn nữa cũng không hề có bất kỳ địa chỉ trụ sở nào tại Việt Nam.

Trên website không hề có bất kỳ thông tin liên hệ nào (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, sàn cũng không hề có bất kỳ thông tin về người đại diện pháp lý nào. Do đó khi mà nhà đầu tư xảy ra sự cố, sẽ không thể nào tìm ra người đứng sau để truy cứu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, đội ngũ môi giới và hỗ trợ tại Việt Nam đều là các tài khoản ảo. Theo anh Long, khi đầu tư vào sàn, anh được thêm vào một nhóm chat ZALO trong đó có 3 người tự xưng là đội ngũ hỗ trợ của sàn. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ, các tài khoản này đều dùng hình ảnh đại diện “ảo”, và không hề đăng tải thông tin cá nhân hay hình ảnh cá nhân nào. Có thể kết luận rằng, thực chất đây chỉ là các tài khoản ảo được lập ra để dụ dỗ “con mồi”, mà sau khi “sập bẫy” nhà đầu tư không thể nào truy ra người đứng sau là ai.

Liên tục dùng các tài khoản Facebook ảo để tìm kiếm nhà đầu tư và IB (Ảnh chụp màn hình)

Không có địa chỉ nước ngoài, không có người đại diện nước ngoài, cộng đồng tham gia đầu tư hầu như chỉ đến từ Việt Nam. Rất có thể, BERTHAR chỉ là sàn giao dịch do người Việt tạo ra và sử dụng cái “mác” sàn nước ngoài để lôi kéo nhà đầu tư, chiếm đoạt tiền.

Trách nhiệm đằng sau các vụ lừa đảo của các sàn giao dịch quốc tế

Hơn thế nữa, trên trang WIKIFX tự xưng là “ứng dụng tra cứu giấy phép môi giới toàn cầu” còn đánh giá sàn BERTHAR với số điểm khá cao (6.92/10 điểm). Đây là một số điểm cao so với các sàn giao dịch khác.

Khi tìm kiếm sàn BERTHAR trên ứng dụng WIKIFX, ta còn thấy rõ giấy phép của sàn này được cung cấp bởi tổ chức National Futures Association (Hoa Kỳ NFA).

Trang WIKIFX chấm điểm 6.92/10 cho sàn BERTHAR

Đối với nhiều nhà đầu tư tài chính quốc tế, WIKIFX được coi là ứng dụng chấm điểm và nhận biết các sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, trên ứng dụng này còn đăng tải các hình ảnh tuyển IB của sàn BERTHAR  . Những điều này không khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra nghi vấn: “Phải chăng ứng dụng WIKIFX chỉ đang nhận tiền ‘PR bẩn’ và chấm điểm theo số tiền mà sàn giao dịch đưa cho họ, chứ không phải là một ứng dụng chấm điểm công tâm dựa trên mức độ uy tín và các giấy phép như WIKIFX đã giới thiệu?”

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, ứng dụng WIKIFX có đang “chống lưng” cho các sàn lừa đảo như BERTHAR? Và WIKIFX có trách nhiệm gì trong vụ việc sàn giao dịch BERTHAR  lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi?

Vụ việc sàn giao dịch BERTHAR  lừa đảo chiếm đoạt tiền của người chơi nói trên là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho các nhà đầu tư. Nhất là trong giai đoạn những tháng cuối năm, nhu cầu đầu tư tăng cao cũng là lúc nhiều đối tượng lừa đảo “lộng hành”.

Hãy trang bị cho mình những kiến thức tài chính vững vàng, và đặc biệt là tìm hiểu kỹ về sàn giao dịch trước khi tiến hành nộp tiền, không nên tin vào các ứng dụng đánh giá sàn như WIKIFX. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên có các cơ chế để quản lý cũng như bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tài chính nhằm tránh các trường hợp lừa đảo tương tự.

Nếu các nhà đầu tư đang bị trường hợp sàn BERTHAR giữ tiền, hãy liên hệ với tòa soạn để cung cấp thêm thông tin. Nhóm phóng viên sẽ cũng cố hồ sơ và liên hệ với cơ quan điều tra nhằm đưa những vụ việc ra ánh sáng./.

Còn tiếp…

Bá Linh
Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống