Thông tư hướng dẫn chi tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/10

Bắt đầu từ 1/10/2021, Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29/07/2021 hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021, Thông tư số 64/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định vấn đề chi tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (do Chính phủ ban hành ngày 24/6/20219 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV như sau: Một là, đối với chi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DNNVV, tư vấn viên pháp luật, các khoản chi do DNNVV, tư vấn viên pháp luật tự chi trả bao gồm: Chi phí đi lại, tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ và các khoản chi khác do DN quyết định hỗ trợ cho người lao động khi tham dự tập huấn theo khả năng nguồn kinh phí của DN. DNNVV được hạch toán các khoản chi hỗ trợ cho người lao động của DN tham dự tập huấn vào chi phí hoạt động của DN theo quy định.

  Ngân sách nhà nước hỗ trợ một số khoản chi để tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mức chi phí đi lại, tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ để tính vào chi phí hoạt động của DN thực hiện theo quy định về chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản chi còn lại (trừ chi phí đi lại, tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ) để tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật: Thực hiện theo quy định về chế độ chi tổ chức hội nghị tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hai là, đối với chi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đối tượng của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh nội dung trên, Thông tư số số 64/2021/TT-BTC quy định rõ một số nội dung và mức chi cụ thể khác phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV bao gồm: Chi xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng các dữ liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ pháp lý; Chi hoạt động cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan; Chi tổ chức đối thoại, diễn đàn tư vấn pháp luật; Chi mua các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý; Chi xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý…

Theo Trung Hiếu/ Tc Doanh nghiệp & Hội nhập