Phúc thẩm lần 2 kỳ án “Không chiếm đoạt vẫn bị kết tội lừa đảo”: Các bị cáo đồng loạt kêu oan

Ngày 26/5/2023, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm lần 2 xét xử 8 bị cáo bị buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Cuối năm 2018, TAND Cấp cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm lần 1, nhận định hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Do tính chất của vụ án, HĐXX đã nghị án kéo dài và sẽ tuyên án ngày 06/6/2023.

Điệp khúc… “dưới xử, trên hủy”

Như Báo CATP (nay là Chuyên đề CATP) đã phản ánh, vụ án này kéo dài đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa kết thúc vì có nhiều “lỗ hổng” từ cấp sơ thẩm. Vụ án được khởi tố ngày 17/01/2013, sau hơn 5 năm với 5 lần trả hồ sơ, TAND tỉnh Trà Vinh mới mở phiên xử sơ thẩm, với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Văn Thành ngồi ghế chủ tọa, tuyên Bản án số 01/2018/HS-ST (Bản án số 01) ngày 09/02/2018.

Theo Bản án số 01, Công ty CP Aquafeed Cửu Long (Công ty Aquafeed) thành lập năm 2007, chuyên sản xuất thức ăn thủy sản và nuôi cá, do 2 tiến sĩ (TS) Nguyễn Hữu Lộc làm Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Hồng Nam làm Tổng giám đốc (TGĐ). Từ giữa năm 2010 đến cuối 2011, bị cáo Lộc và Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT Aquafeed) chỉ đạo TGĐ Nam và Phó TGĐ Đỗ Thái Hòa làm đại diện Aquafeed, ký nhiều hợp đồng (HĐ) mua bán hàng hóa “khống” (không có hàng hóa) với Công ty CP Công nghiệp thủy sản (do Bùi Thị Tuyết Mai làm TGĐ) và Công ty CP Biển Tây.

Công ty Aquafeed sử dụng 50 hóa đơn “khống” làm chứng từ để Agribank Chi nhánh tỉnh Trà Vinh giải ngân theo hợp đồng tín dụng (HĐTD) số 01AQ/HĐTD ngày 01/3/2011. Từ đây, Aquafeed chuyển hơn 54,17 tỷ đồng cho 2 công ty Công nghiệp thủy sản và Biển Tây để chiếm đoạt.

Từ đó, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Lộc 14 năm tù, Hòa 12 năm tù, Nam 10 năm tù, Mai 10 năm tù và Dũng 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS 1999. Nhóm 3 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh, gồm Nguyễn Văn Trực (Phó GĐ phụ trách), Nguyễn Quốc Hoàn và Cao Văn Phong (Trưởng và Phó phòng tín dụng), mỗi người 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS 1999.

Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/12/2018, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Cấp cao tại TPHCM đề nghị hủy án sơ thẩm vì chưa có đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo theo Điều 139 và 179 BLHS. Quá trình xử lý vụ án, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 26/5/2023

Xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ cùng kết quả tranh luận tại phiên tòa, TAND cấp Cao tại TPHCM tuyên bản án phúc thẩm số 691/2018/HSPT (Bản án số 691): Hủy toàn bộ Bản án số 01, giao hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Trà Vinh điều tra xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. HĐXX phúc thẩm nhận định: Đây là quan hệ dân sự, hành vi của các bị cáo Lộc, Hòa, Nam, Mai, Dũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội theo Điều 139 BLHS nên hành vi của các bị cáo Trực, Hoàn, Phong chưa cấu thành tội theo Điều 179 BLHS như cấp sơ thẩm đã quy kết.

Đang chờ xét xử sơ thẩm lần 2, một số bị cáo bất ngờ nhận được Quyết định (QĐ) số 11/2019/KN-HS của TAND Tối cao, kháng nghị đối với bản án phúc thẩm ban hành ngày 09/12/2019 (chỉ cách 2 ngày là hết hạn về thời hiệu kháng nghị). Đến ngày 03/3/2021, TAND Tối cao ra QĐ Giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm lại.

4 điểm mấu chốt cần làm rõ, tránh oan sai

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 của TAND Cấp cao tại TPHCM với HĐXX do thẩm phán Lê Thành Văn ngồi ghế chủ toạ, đại diện Viện KSND Cấp cao đảo ngược quan điểm với phiên phúc thẩm lần 1, cho rằng bản án sơ thẩm kết tội các bị cáo “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.

Các bị cáo đồng loạt kêu oan, cho rằng không chiếm đoạt tiền của Agribank. Các bị cáo đề nghị đại diện Viện KSND đưa ra tài liệu chứng minh hành vi chiếm đoạt cũng như chỉ ra ai đã bị thiệt hại và thiệt hại là bao nhiêu?

Có 10 luật sư tham gia bào chữa, trong đó 2 ông Hà Văn Thượng và Trương Vĩnh Thủy (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) chứng minh các bị cáo không phạm tội theo Điều 139 và 179 BLHS.

Thứ nhất, đối với tội“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, yếu tố cấu thành phải có thủ đoạn gian dối, ý thức chiếm đoạt và cá nhân phải chiếm đoạt được tài sản. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì không cấu thành tội lừa đảo.

Chính Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần kết luận: “Cơ quan điều tra đã điều tra nhưng không chứng minh được ý thức chiếm đoạt của từng bị can… Quá trình điều tra chưa phát hiện các bị can trong vụ án chiếm đoạt cá nhân”. Tại phiên tòa sơ thẩm, chính vị đại diện Viện KSND và Chủ tọa Nguyễn Văn Thành đều xác định không có ai chiếm đoạt “1 xu, 1 cắc nào” nhưng tuyên 5 bị cáo từ 7 – 14 năm tù.

Thứ hai, cá nhân không chiếm đoạt, 4 công ty liên quan đến vụ án này cũng không phải là đối tượng chiếm đoạt. Hồ sơ vụ án thể hiện rõ cả 4 doanh nghiệp đều là “công ty cổ phần”. Công ty Aquafeed ký HĐ bán hàng cho Công ty CP Dũng Liêm, thu tổng số tiền 75 tỷ đồng; Aquafeed trả cho Agribank Trà Vinh 67 tỷ đồng, sau đó chỉ vay lại 54 tỷ đồng. Như vậy, thông qua các HĐ kinh tế ký giữa các công ty với nhau, Agribank đã thu nợ được 67 tỷ đồng và chỉ vay lại 54 tỷ đồng, càng khẳng định không có cá nhân nào chiếm đoạt, cũng không có công ty nào hưởng lợi số tiền Công ty Aquafeed vay từ ngân hàng. Agribank không thiệt hại từ các HĐ kinh tế và từ tài sản thế chấp đủ đảm bảo nợ vay.

Thứ ba, liên quan đến khoản thế chấp quyền đòi nợ 91,2 tỷ đồng (người dân mua nguyên liệu, còn nợ Aquafeed): Công ty Aquafeed đã thế chấp hợp pháp cho Agribank bằng các HĐ, được đăng ký giao dịch đảm bảo, đến nay vẫn còn hiệu lực. Đây là thỏa thuận dân sự giữa 2 bên theo quy định pháp luật. Quyền đòi nợ được pháp luật cho phép, cơ quan tố tụng không có thẩm quyền tước bỏ thỏa thuận này.

Thứ tư, Bản án số 691 ngày 11/12/2018 của TAND Cấp cao tại TPHCM tuy bị hủy bởi TAND Tối cao, nhưng không thể phủ nhận sự thật khách quan đã được HĐXX phúc thẩm làm rõ và nhận định trong bản án. Cụ thể: HĐTD số 01 giữa Công ty Aquafeed với Agribank là HĐ vay vốn hạn mức 100 tỷ đồng, có thế chấp tài sản trị giá 136,2 tỷ, đảm bảo đủ để thực hiện nghĩa vụ vay. Quá trình thực hiện HĐTD số 01, Aquafeed không vi phạm, tài sản thế chấp không thay đổi, khoản vay chưa đến hạn trả nợ nên ngân hàng chưa thiệt hại. Điều này có nghĩa là quan hệ dân sự trong HĐTD số 01 đang tồn tại. Số tiền 54,17 tỷ Agribank Trà Vinh giải ngân nằm trong hạn mức tín dụng; Aquafeed sử dụng số tiền này để chi trả mua, bán nguyên liệu. Cấp sơ thẩm nhận định hành vi gian dối liên quan đến HĐ mua bán “khống” giữa Aquafeed với 2 công ty Công nghiệp thủy sản và Biển Tây là không có căn cứ vững chắc. Việc mua bán đều có hàng trên thực tế. Chính cơ quan điều tra đã xác định “HĐ có hàng hóa” thể hiện tại nhiều bút lục.

HĐXX kết luận: HĐTD số 01 thể hiện 1 pháp nhân ký kết HĐ vay của 1 pháp nhân, có thế chấp tài sản bảo đảm. Việc ký kết HĐTD số 01 là quan hệ dân sự, không có hành vi gian dối, cũng không có hành vi chiếm đoạt. Agribank không bị thiệt hại vì tài sản thế chấp đủ để trả nợ trong trường hợp Aquafeed phá sản. Do đó, hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo.

Hàng loạt sai phạm của cấp sơ thẩm đã được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/12/2018. Từ đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm để tránh oan sai, là có căn cứ, đúng pháp luật.

Phó Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội lên tiếng

Ngày 31/5/2023, tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại TPHCM, TS Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có buổi tiếp xúc các ông, bà Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Hồng Nam và Bùi Thị Tuyết Mai (3 bị cáo trong vụ án), lắng nghe, ghi nhận ý kiến trình bày, kêu oan của 3 người này.

TS Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với PV Chuyên đề CATP

Trao đổi với PV Chuyên đề CATP sáng 31/5, TS Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Tôi nhận được đơn kèm hồ sơ từ các luật sư gửi cách đây 3 năm, đã đọc nhiều lần, nghiên cứu rất kỹ. Tôi đã trực tiếp tiếp các công dân là bị cáo của vụ án để nghe trình bày. Tôi nhận thấy vụ án thể hiện rõ oan sai. Chưa có vụ án nào làm tôi bức xúc, đau lòng và cũng chưa có vụ án nào khi tôi với tư cách là ĐBQH khoá XIV lại có nhiều văn bản gửi đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đề nghị xem xét thấu đáo để tránh oan sai như vụ án này. Rõ nhất là văn bản ngày 10/4/2020 dài 6 trang.

Đây là vụ án nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Tôi mong TAND Cấp cao tại TPHCM sẽ ban hành bản án thấu tình đạt lý, đúng pháp luật. Không vì cái sai của cấp sơ thẩm mà bao che, xử oan người vô tội. Ban Dân nguyện sẽ có văn bản báo cáo, trình Ủy ban Tư pháp và Ủy ban thường vụ Quốc Hội giám sát quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tố tụng.

Theo Báo Công an TPHCM/Văn Cương – Thành Luân