Nhạc sĩ NSND Hồ Văn Thành: Người viết nhạc cho phim Vầng trăng thơ ấu

Nhạc sĩ NSND Hồ Văn Thành chia sẻ về nhạc trong phim “Vầng trăng thơ ấu”, ông nói  cùng với hình ảnh thật đáng quí và cảm động về thời thơ ấu của Bác Hồ, chúng tôi đưa vào phim những giai điệu âm nhạc mang âm hưởng dân tộc đặc trưng của Nghệ An ( quê hương Bác Hồ) và kinh đô Huế ( nơi Bác Hồ sống lúc còn nhỏ).

Nhạc sĩ NSND Hồ Văn Thành

Bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” nói về cuộc đời của Bác Hồ thời còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ ra Huế sinh sống, dự kiến ra rạp vào hôm nay (17/5) nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024).

 

Kịch bản “Vầng trăng thơ ấu” từng đạt giải ba Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL tổ chức.

Bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” (tác giả kịch bản: Đặng Thị Thanh Bình, đạo diễn Hồ Ngọc Xum) là tác phẩm được Công ty Cổ phần phim Giải phóng sản xuất. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng…

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng các diễn viên nhí

Phim lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào Huế lần đầu tiên.

Nhạc sĩ NSND Hồ Văn Thành chia sẻ về nhạc trong phim “Vầng trăng thơ ấu”, ông nói  cùng với hình ảnh thật đáng quí và cảm động về thời thơ ấu của Bác Hồ, chúng tôi đưa vào phim những giai điệu âm nhạc mang âm hưởng dân tộc đặc trưng của Nghệ An ( quê hương Bác Hồ) và kinh đô Huế ( nơi Bác Hồ sống lúc còn nhỏ).

Mở đầu, âm nhạc thể hiện quang cảnh núi non hung vĩ, sông suối chạy dài xinh đẹp, nên thơ; vang lên những đoạn vocalise ngợi ca nghị lực, bền chí vượt qua bãi cát dài bỏng rát chân người hay cả gia đình Bác Hồ quyết tâm lầm lũi đi trong đêm sương mờ lạnh buốt…. tìm về kinh đô Huế.

Âm nhạc cũng có lúc vui tươi, réo rắt, hào sảng (theo phong cách âm nhạc cung đình Huế ) khi Bác Hồ vui chơi, thả diều, tắm sông bên bạn học trong thành nội Huế. Nhưng không ít những giai điệu buồn, uẩn khúc khi Bác Hồ chứng kiến những cảnh người dân nghèo trong cảnh đói rách, bị đàn áp, xiềng xích.

Đến khi Mẹ mất, Cha không có nhà, Bác Hồ đã cùng với các học trò của cha và vài người quen đã phải chèo ghe chở quan tài của mẹ đi chôn, lênh đênh trên sông trong tiếng sáo trầm cô độc , lạnh lẽo.

Nỗi buồn không dừng lại ở đó, tiếng đàn cò ai oán cảnh Bác Hồ ẳm em đi qua từng ngôi nhà , khu chợ để xin từng giọt sữa cho em bú. Không thể vượt qua được hoàn cảnh nghiệt ngã, người em đã trút hơi thở cuối cùng những giai điệu buồn lại trỗi lên mạnh mẽ, cay nghiệt trong đêm.

Xoay quanh giai đoạn hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ so với quê hương xứ Nghệ. Ở đây ẩn chứa nhiều mâu thuẫn về quyền lực khi người Pháp thống trị nghênh ngang, tàn ác, còn các vị quan Nam triều thì khúm núm, rụt rè trước vua và trước cả người Pháp. Còn lại phần đông dân chúng là người lao động như nông dân, phu khuân vác, cu ly kéo xe tay, trẻ em nghèo… đều chịu cảnh nghèo đói, rách rưới.

Ở Huế, Nguyễn Sinh Cung cũng có cơ hội biết đến quan Thượng thư Bộ hình Nguyễn Tuấn là người rất quý mến ông Cử Sắc (ông Nguyễn Sinh Sắc thân phụ Bác Hồ). Ông Nguyễn Tuấn có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc nhưng bất lực khi vẫn còn bị lễ nghĩa phong kiến trói buộc.

Cậu bé Cung kết giao với Anh Thư (dòng dõi trâm anh thế phiệt), Kiệt (con quan Thông ngôn), Hào (con nghệ nhân làm diều Tiến Vua). Trong những trò chơi với chúng bạn, dẫu tuổi còn nhỏ, Sinh Cung đã bộc lộ nhân cách xuất chúng của một nhà ái quốc, một lãnh tụ.

Cũng ở Huế, Nguyễn Sinh Cung đã phải trải qua một biến cố rất lớn khi bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Người sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận cộng với sự vất vả, khó nhọc trước đó đã qua đời. Lúc ấy, thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa, chỉ có Nguyễn Sinh Cung, mới 11 tuổi đứng ra làm chủ tang, cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần…

Mị Dung