Tác giả Phạm Minh Mẫn và nỗi niềm thầm gửi bố trong cuốn sách thứ 3

Với “đám mây”, Minh Mẫn viết nên nỗi lòng của mỗi người trẻ mang ước muốn chinh phục những “chân trời” mơ ước vừa mong muốn. Nhiều phụ huynh tin rằng đây là cuốn sách giúp cho tình cảm gia đình trở nên gắn bó hơn, thấu hiểu nhau hơn.

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa giới thiệu tác phẩm “Đám mây trò chuyện với chân trời” của tác giả Phạm Minh Mẫn. Với “đám mây”, Minh Mẫn viết nên nỗi lòng của mỗi người trẻ mang ước muốn chinh phục những “chân trời” mơ ước vừa mong muốn. Nhiều phụ huynh tin rằng đây là cuốn sách giúp cho tình cảm gia đình trở nên gắn bó hơn, thấu hiểu nhau hơn.

Ảnh minh họa
“Đám mây trò chuyện với chân trời” được Minh Mẫn tiếp nối trình làng bạn đọc..

Sau hai uyển sách vừa tái bản “Mình đang sống cuộc đời của ai” và “Có những ngày chông chênh giữa phố”, “Đám mây trò chuyện với chân trời” được Minh Mẫn tiếp nối trình làng bạn đọc. Đây như là một món quà “gửi tặng những năm tháng tuổi trẻ của tất cả chúng ta!”-  những dòng văn được tác giả viết mở đầu tác phẩm đầy trân trọng.

Chị Hồ Ngọc Đoan Khương cho biết, chị đã có những phút rơi nước mắt khi đọc những tâm tư của một chàng trai trong tác phẩm. Chị cũng có con, và chị luôn xem con mình như một người bạn để chia sẻ để lắng nghe chứ không phải để ra lệnh.

Sách tập trung thể hiện diễn tiến tâm lý sâu sắc giữa hai nhân vật "ba" và Vỹ
Sách tập trung thể hiện diễn tiến tâm lý sâu sắc giữa hai nhân vật “ba” và Vỹ.

Sách có độ dày 260 trang và 12 chương xuyên suốt kể về nhân vật chính là Vỹ. Hành trình tuổi trẻ của một chàng trai tên Vỹ, từ lúc mười chín tuổi rời Huế vào Sài Gòn với những hoài bão và khao khát của riêng mình. Hành trình chinh phục những giấc mơ của Vỹ cũng đồng thời với việc cậu tìm kiếm sự kết nối với gia đình, mong chờ sự thấu hiểu từ ba. Sau những gì đã trải qua với tuổi trẻ của mình, với hệ giá trị mình đã cố công theo đuổi, Vỹ cũng nghiệm ra một điều, thành công lớn nhất mà cậu muốn đạt tới chính là hạnh phúc. “Tôi tin có một ngày đám mây sẽ bay đến thật gần chân trời, trong sự mãn nguyện và an nhiên, rằng cuối cùng chân trời có chờ đợi nó.”

Những mộng tưởng tự do, những thành tựu phi thường cuối cùng có nghĩa lý gì với bản thân đâu nếu Vỹ không có ai để chia sẻ, để đồng cảm, để cùng khóc cùng cười với nó. Vỹ không cần trở thành một ốc đảo bơ vơ giữa sa mạc bao la, cũng không muốn làm một đám mây lẻ loi trên bầu trời rộng lớn. Ngày bước vào Sài Gòn để sống cuộc đời mình mong chờ, Vỹ từng nghĩ cái giá của tự do là cô đơn. Nhưng dần dần cậu tin rằng, khi yêu thương và được yêu thương, người ta vẫn hoàn toàn tận hưởng được tự do trong nó. Và đó chính là hạnh phúc thật sự.

Ảnh minh họa
Tác giả Phạm Minh Mẫn.

Hình ảnh đám mây và chân trời trong tác phẩm mang hai ý nghĩa: Đám mây tượng trưng cho tuổi trẻ, còn chân trời chính là những mộng tưởng, khát khao. Còn nữa, đám mây giống đứa con, còn chân trời chính là cha mẹ. Rất gần và cũng rất xa. Để chạm đến sự thấu hiểu, nhiều người mất cả cuộc đời.

Điều hạnh phúc nhất với Vỹ là lời hồi đáp của “chân trời” trong thâm tâm mình. Nhân vật Vỹ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con có thể sống cuộc đời con muốn không mẹ?”. Mẹ đáp lời: “Con có quyền đó. Đi đi rồi làm những gì con thích và chịu trách nhiệm với nó. Khi nào nhớ nhà thì lại về. Tất cả luôn ở đây chờ con, chẳng có gì thay đổi hết.” Vậy đó, tình thương gia đình rộng mở, bao dung làm cho những đứa con cảm thấy tất cả những mệt nhọc, khó khăn ngoài kia đều có điểm tựa vững chải để vượt qua. Khoảnh khắc Vỹ khắc ghi trong trái tim về sự nhìn nhận bao dung mà ba dành cho mình: “Chân trời đó còn là giây phút tôi được ba tôi công nhận, rằng ông sẽ yêu thương và trân trọng những gì tôi lựa chọn cho cuộc đời mình… hãy bay đi, hãy sống thật trọn vẹn những ngày tháng sắp tới.”

“Đám mây trò chuyện với chân trời” đề cập đến khát vọng tuổi trẻ và hành trình tìm kiếm sự thấu cảm từ gia đình. Một cuộc đời dù có nhiều thành tựu đến đâu đi chăng nữa mà không có sự yêu thương, thấu hiểu, không có ai để chia sẻ, đồng cảm thì chẳng bao giờ có được hạnh phúc.

Một vài trích dẫn đáng giá trong tác phẩm:

“Người ta lớn lên ai cũng muốn đi muôn phương, bước đôi chân mình đến những chân trời rực rỡ. Nhưng rồi nơi đẹp nhất mỗi khi nghĩ đến vẫn là nhà. Một nơi chốn có ai đó trông ngóng. Một bữa cơm bên nhau trong tiếng cười nói thật thà… nơi sẽ dang rộng vòng tay chào đón ta với hết thảy yêu thương nhưng sẽ không bao giờ kìm kẹp tự do của ta trong những bức tường ấy… Hơn cả, nó chấp nhận ôm ta dù trong bất cứ hình hài nào, để ta được sống cuộc đời ta thật sự thuộc về.”

“Dù suy cho cùng, hầu hết những điều cha mẹ dành cho con cái đều xuất phát từ tình yêu thương, nhưng kỳ vọng quá lớn khiến họ tin rằng việc áp đặt hữu hiệu hơn lắng nghe và tôn trọng. Còn gì đáng buồn hơn khi những người yêu thương nhau một lúc nào đó lại phải đứng trên hai chiến tuyến.”

“Và nếu chân trời đã chứa đầy những mộng tưởng đẹp đẽ như vậy thì tuổi trẻ của tôi nhất định phải giống một thứ, vừa đủ bay bổng, phiêu du, vừa đủ bền bỉ, không ngại mưa nắng, đêm ngày, có khi nhẹ nhàng có khi lại cuồn cuộn sức mạnh, cứ thế miên man trôi về một hướng. Phải rồi, cuộc đời của tôi, tuổi trẻ của tôi chính là những đám mây kia, đám mây muốn chinh phục chân trời.”

“Ba có biết không, trong lòng con, và tất cả những đứa con khác trên cõi đời này, dù tụi con có thành công đến thế nào, có đủ đầy đến thế nào nhưng ngày nào chưa được gia đình chấp nhận con người thật sự của mình, thấu hiểu tình yêu của mình, trong tim tụi con vẫn tồn tại một khoảng trống rất lớn không thứ gì có thể lấp đầy được.”

“Hồi con mới hai mươi, lúc con mới vào Sài Gòn, con đã từng nghĩ có thể mặc kệ, có thể chạy trốn và cứ thế sống cuộc đời mình muốn, vì con đâu làm điều gì sai lầm. Nhưng khi con bước qua tuổi ba mươi, bây giờ, con biết mãi mãi mình không bao giờ có một hạnh phúc thật sự. Làm sao con yên lòng tận hưởng cuộc đời mình khi con biết có một ai đó con thương vẫn đang bận lòng vì con.”

“Tình thân là một món nợ, cũng là một sự mang ơn. Dẫu sao chúng ta đều không thể trốn chạy khỏi nó. Cũng có khi nó giống một đức tin. Loại đức tin từ lúc sinh ra đã có, không ai chủ đích chọn lựa. Và chúng ta cứ sống với nó, để xem nó sẽ dày thêm hay chết dần chết mòn. Đối với Vỹ trong mối quan hệ không thể chối bỏ này, thứ hai người, ba người hay nhiều hơn đối diện nhau cuối cùng cũng là trạng thái phải chấp nhận, mặc kệ sự chấp nhận đó là thuận lòng hay nghịch ý.”

Về tác giả Phạm Minh Mẫn :

Phạm Minh Mẫn 

Writer – Voice Talent – Speaker

– Sinh ngày 17.02.1987

– Học chuyên ngành Báo chí Truyền thông tại trường ĐH KHXH&NV TPHCM

– Tác giả sách: Mình đang sống cuộc đời của ai (2021); Có những ngày chông chênh giữa phố (2022); Đám mây trò chuyện với chân trời (2023)

– Kinh nghiệm: có 8 năm làm việc tại báo Tuổi trẻ với vai trò phóng viên, MC Radio,

Voice Talent.

Mị Dung