Nên chọn thời điểm nào thích hợp để “khai trường” an toàn ?

VNHN – Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, bám sát theo đó, nhiều địa phương đã thông báo thời gian tựu trường, khai giảng của học sinh các cấp học …

Ngoài thông tin chung cả nước sẽ đồng loạt khai giảng vào 5/9, các tỉnh, thành đã dựa vào tình hình trên địa bàn để có những điều chỉnh về lịch trở lại trường sao cho phù hợp.

Cụ thể lịch đi học trở lại của học sinh 63 tỉnh, thành

Theo Bộ GD&ĐT, các địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 không thể tựu trường vào ngày 1/9, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn mức khung đưa ra, ví dụ ngày 10/9 hay 15/9, thậm chí sang tháng 10. Cùng với đó, năm học cũng kết thúc chậm hơn 15 ngày so với khung. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi giai đoạn hiện nay, số ca F0 trong cộng đồng không hề thuyên giảm, số ca lây nhiễm chéo trong các khu cách ly cứ tăng dần. Buộc chúng ta phải đánh giá và nhìn nhận lại công tác phòng chống dịch bấy lâu nay cần chuyển hướng tích cực, hiệu quả mà không ngộp thở.

Trên tinh thần là vậy, nhưng do cách phòng chống dịch mỗi nơi thực hiện Chỉ thị 16 của TTCP một kiểu nên hiệu quả khác nhau nhưng hệ quả lại giống nhau. Do đó, các địa phương cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi phán quyết ngày tựu trường dành cho các học sinh, đặc biệt là bậc mầm non – tiểu học. Một khi đã thông tin thì khó có thể rút lại và cũng chẳng thể nào đang học lại nghỉ giữa chừng để thực hiên giãn cách chống dịch.

Trên bình diện chung, ngày 25/8 là hạn chót kết thúc thời gian cách ly xã hội (riêng TPHCM kéo dài đến 15/9). Từ đây đến đó, các địa phương sẽ ráo riết tung lực lượng để khống chế dịch, dọn đường cho ngày trở lại trường của hàng chục triệu học sinh. Song, diễn biến của các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng giảm như thế nào cũng cho chúng ta khái tính được kết quả sau ngày 25/8 sẽ ra sao.

Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Nếu tốt thì chẳng có gì phải bàn cãi. Nhưng nếu không như kỳ vọng thì lịch khai giảng hay hình thức tổ chức sẽ được linh động như thế nào? Đây là câu hỏi lớn buộc các nhà nghiên cứu xã hội học, ngành giáo dục phải nghiêm túc đánh giá. Bởi hệ lụy sẽ khôn lường một khi hàng chục triệu học sinh trở lại trường, nhất là bậc mầm non – tiểu học. Các em còn quá nhỏ không thể hiểu hết được các mệnh lệnh bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng dịch như; đeo khẩu trang suốt buổi học, mang tấm chắn giọt bắn, giữ khoảng cách với bạn bè.

Ở độ tuổi học sinh chưa thể tiêm vaccine. Còn đối với giáo viên thì cho dù được tiêm đủ 2 mũi đi chăng thì cũng cần có thời gian để Vaccine sản sinh ra kháng thể chống lại Virus nếu bị xâm nhập. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm đến từ 2 phía; Giáo viên & học sinh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trên diện rộng thì nước ta là quốc gia có tỷ lệ tiêm Vaccine thấp nhất nhì trong khu vực Đông Nam Á. Do vậy, đề kháng cộng đồng chưa thể có được ngày một ngày 2 mà cần có thời gian để gia tăng độ phủ tiêm ngừa. Và khi ấy, chỉ một hay vài học sinh vô tình bị dương tính sẽ khiến cho cả nhà phải lo lắng, cả trường phải nháo nhào, cả xã hội phải đứng ngồi không yên.

Còn nhớ, cách đây không lâu, những bức ảnh của bé 3 tuổi phải trùm kín mít từ đầu đến chân, lũn đũn đi vào khu cách ly tập trung khiến cho cả cộng đồng xót xa và dấy lên làn sóng cảm thương. Thì sau ngày 25/8 sẽ có nhiều nhiều hình ảnh như thế thậm chí đau hơn nếu tốc độ lây nhiễm phức tạp chưa được khống chế mà đã vội vã cho tựu trường ! Không ai nói trước được điều gì.

Xót xa khi trẻ phải chịu cảnh cách ly.

“Giục tốc bất đạt”

Băn khoăn, lo lắng là tâm lý chung của các ông bố bà mẹ khi thu nhận thông tin Covid hàng ngày và dõi mắt hướng về ngày 25/8. Rất nhiều phụ huynh cho rằng, hãy xem thời gian cách ly xã hội như kỳ nghỉ hè đặc biệt. Và thời điểm trở lại trường sẽ thực hiện khẩn trương khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Họ không vội vã, cũng không nôn nóng đưa con tựu trường bởi nguy cơ tái bùng phát dịch rất cao.

Ảnh minh họa.

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì buộc chúng ta phải hết sức linh động. Không nhất thiết phải là 23/8, 30/8 hay 1/9, có thể bắt đầu muộn hơn và kết thúc trễ hơn. Chất lượng đào tạo không phụ thuộc vào yếu tố này mà được quyết định bởi nội dung truyền đạt, tâm huyết và tinh thần của Thầy – trò, sự yên tâm của xã hội.

Ai dám đảm bảo rằng khi F0, F1, F2 bị đưa đi cách ly tập trung có thể nhẹ hơn ? Thực tiễn đã cho thấy sự lây nhiễm chéo ở các khu vực này cực kỳ cao bởi qui mô đông người, sinh hoạt trà trộn, không cán bộ y tế chăm sóc, cơ sở vật chất vay mượn nên vô cùng thiếu thốn, chất lượng bữa ăn qua loa….v.v…tất cả những yếu tố đó đã vô tình biến “lợn lành thành lợn què” và là mầm mống gia tăng nguy cơ tử vong cao ngay khi nhập viện. Người trưởng thành còn chịu không được thì huống chi là trẻ nhỏ.

Vì lợi ích trăm năm trồng người”, đầu tư cho thế hệ trẻ là chiến lược nghiêm túc và không thể hấp tấp. “Chống dịch như chống giặc” phải khẩn trương, ráo riết và tiên quyết phải đồng lòng – đoàn kết. Bất kỳ có sự mâu thuẫn hay lệch pha ở khía cạnh nào cũng sẽ dẫn đến thất bại, xô đổ những nỗ lực của toàn xã hội và hệ lụy sẽ rất khôn lường trên tất cả mọi mặt của đời sống.

Theo cand.com.vn