Tiền Giang: Ngang nhiên bịt lối đi độc đạo của người dân

 

Con đường đất duy nhất là lối đi công cộng vô cớ bị rào chắn ở cả hai đầu khiến hộ bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung (huyện Chợ Gạo) không thể vào vườn để canh tác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.

Theo phản ánh của bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung (SN 1963, ngụ Chợ Gạo, Tiền Giang), khoảng tháng 2/2024 bà phát hiện con đường đất và đường mương dẫn nước (tổng diện tích khoảng 150m2) là lối đi chung, công cộng để vào vườn của bà và nhiều hộ dân khác đã bị bà Nguyễn Thị Thùy dùng khung thép, rào chắn bịt ngang cả hai đầu.

 

“Điều này khiến chúng tôi và những hộ dân xung quanh không thể vào vườn để trồng trọt, canh tác, chăn nuôi… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất”, bà Nhung nói và khẳng định, đây lại là đường đi và mương dẫn nước duy nhất, độc đạo mà các hộ dân đã sử dụng ổn định từ năm 1988 đến nay.

Ảnh 1: Giấy chứng nhận quyền sử dụng của bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung có thể hiện rõ con đường và mương dẫn nước. Đây là lối đi chung cho tất cả mọi người, không thuộc quyền sở hữu của cá nhân, hộ gia đình nào.

Cụ thể, căn cứ theo sơ đồ thửa đất số 74, 75 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, con đường và mương dẫn nước thể hiện là lối đi chung dành cho tất cả mọi người. 

Theo tài liệu Mảnh trích đo địa chính (số 203-2018), phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất và bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất số 74 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chợ Gạo lập ngày 26/11/2018 cũng thể hiện rõ điều này.

Thậm chí trước đó, vào khoảng năm 1996, khi bà Thùy đến mua thửa đất của ông Ngô Tấn Sáu (miếng đất nằm ở hướng Tây con đường đất đỏ và mương dẫn nước) hay đến khoảng năm 2013, khi bà Thùy tiếp tục mua thửa đất tiếp giáp ở hướng Đông của con đường và mương nước nêu trên thì con đường đất và mương nước đã tồn tại và cũng không nằm trong diện tích sử dụng đất mà các hộ đã bán cho bà Thùy. Như vậy nghĩa là con đường đất và mương dẫn nước nêu trên không thuộc quyền sở hữu của ai và đang được Nhà nước quản lý.

Ảnh 2: Con đường đi và mương dẫn nước đã bị bà Thùy dùng khung thép, rào chắn bịt ngang cả hai đầu.

Điều đáng nói, sau khi mua được cả 2 thửa đất (nằm hướng Đông và hướng Tây của con đường và mương nước), bà Thùy đã đến thương lượng với các hộ dân (đang sử dụng con đường đi, trong đó có hộ bà Nhung) để xin mở đường đi (kèm mương dẫn nước) ở lối đi khác nhằm “2 mảnh đất của bà được quy hợp thành một thửa” cho đẹp nhưng không được đồng ý.

Ảnh 3: Hoa màu, ruộng vườn của các hộ dân phải bỏ hoang, khô héo do đường dẫn mương nước đã bị bà Thùy bịt chắn.

Thế rồi “một ngày đẹp trời” đầu tháng 2/2024, bà Nhung phát hiện con đường đất và đường mương dẫn nước là lối đi chung, công cộng ấy đã bị bà Thùy dùng khung thép, rào chắn bịt ngang cả hai đầu, như một cách để chiếm đoạt quyền sử dụng khiến tất cả các hộ đang trồng trọt, canh tác, chăn nuôi phía sau không có đường đi vào vườn.

 

Việc bà Thùy ngang nhiên rào chắn, bịt lối đi chung và đường mương dẫn nước vào ruộng canh tác đã không những khiến việc đi lại của các hộ phía sau gặp khó khăn trong di chuyển, vận chuyển hàng hóa, phân bón… phục vụ cho công tác chăn nuôi, trồng trọt của các hộ dân mà còn có dấu hiệu vi phạm Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 về hành vi lấn, chiếm đất công.

Theo Quốc Thệ