Cảnh giác lừa đảo chiếm đoạt Fanpage, Group, trang cá nhân Facebook

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo bằng cách hỏi mua các Fanpage và Group với lượng thành viên đông và lượt tương tác cao, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát các Fanpage, Group này bằng các thủ đoạn tinh vi. Sau khi chiếm đoạt được, các đối tượng lừa đảo đem rao bán nhằm thu lợi bất chính.

Các trang Fanpage, Group được rao bán công khai, với giá rất cao (ảnh chụp màn hình)

Ngày nay, việc sử dụng các Fanpage (Trang) và Group (hội nhóm) trên Facebook để bán hàng có thể nói đang là xu thế. Cũng chính vì thế, việc mua bán các trang Fanpage và Group này đang được nhiều người quan tâm, một trang Fanpage hay Group có lượng người tương tác cao có giá lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Cũng chính vì thế, thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng xấu sử dụng thủ đoạn tinh vi để lừa đảo và chiếm đoạt quyền sở hữu của các trang Fanpage hay Group Facebook, sau đó đem rao bán nhằm thu lợi bất chính.

Thủ đoạn hết sức tinh vi – nhắm đến các đối tượng bán hàng Online

Nhìn chung các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn như sau:

Đầu tiên những đối tượng này sẽ nhắm đến các Fanpage có lượt like nhiều, lượt tương tác cao, hoặc các Group có nhiều người tham gia. Thông thường, các trang được nhắm đến thường trên 100.000 lượt like và các Group từ 50.000 người tham gia trở lên.

Tin nhắn hỏi mua Group sau đó lợi dụng để chiếm đoạt (ảnh chụp màn hình)

Sau đó chúng dùng các tài khoản facebook ảo hoặc tài khoản thật được chiếm dụng từ người khác để liên hệ với người quản trị fanpage hay Group đó và hỏi mua. Sau khi nhận được báo giá từ chủ sở hữu, các đối tượng này đồng ý và báo muốn sử dụng phần mềm Teamview (phần mềm kết nối điều khiển máy tính khác từ xa) để xem qua cũng như kiểm tra các thông tin trước khi giao dịch.

Khi người quản trị đồng ý sử dụng phần mềm Teamview, các đối tượng này tiến hành thủ đoạn tinh vi của mình. Theo đó, bằng một vài thao tác chúng sẽ biết được mã Cookie của tài khoản Facebook người quản trị, sau đó chúng sẽ chiếm quyền tài khoản Facebook và chuyển quyền quản trị cho một tài khoản facebook ảo do chúng tạo ra.

Đối tượng nhắm đến là những người bán hàng Online (ảnh chụp màn hình)

Cuối cùng, các đối tượng này đem rao bán các Fanpage hay Group đó với giá rẻ hơn và thu lợi bất chính. Các “con mồi” ưa thích của chúng thường là người bán hàng Online, lợi dụng lòng tin cũng như sự thiếu hiểu biết của người dùng để lừa đảo. Được biết số lượng các đối tượng lừa đảo này đang ngày càng nhiều, số lượng Fanpage cũng như Group bị chiếm đoạt có thể lên đến hàng ngàn trang/nhóm, số tiền bị chiếm đoạt bất chính lên đến hàng tỷ đồng.

Đối tượng được cho là người đứng sau các vụ mất Group (ảnh do người bị hại cung cấp).

Lưu ý những gì để tránh bị lừa trên mạng xã hội?

Để tránh việc bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, người dân nên lưu ý:

Thứ nhất, không nên Click vào các đường link lạ, các đường link không rõ nguồn góc, bởi các kẻ xấu thường lợi dụng sự tò mò của người dùng và gửi các đường link có mã độc nhằm đánh cắp thông tin người sử dụng. Các đường link này thường là các bài báo có tự đề gây số hoặc các đường link chứa hình ảnh 18+ nhằm “dụ dỗ” người dùng click vào.

Thứ hai, không nên đăng nhập vào các trang web không rõ nguồn góc, cũng giống như các đường link lạ các trang web không rõ nguồn góc cũng nhằm mục đích đanh cắp dữ liệu người dùng. Khi thấy các trang web lạ được chia sẽ trên mạng xã hội hay từ tin nhắn của người lạ, người dùng không nên truy cập vào.

Thứ ba, không cho người lạ sử dụng phần mềm Teamview vào máy tính của mình. Ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp mã cookie facebook, việc cho người lạ sử dụng teamview vào máy tính mình còn tiềm ẩn nguy cơ mất hoặc lộ các thông tin quan trọng của bản thân.

Các đối tượng này chiếm quyền Group và thu phí thành viên để trục lợi (ảnh chụp màn hình)

Thứ tư, không nên cho người khác mượn tiền trên mạng xã hội, cần gọi điện trực tiếp để xác nhận trước khi cho mượn tiền. Nguy cơ người lạ chiếm dụng tài khoản và nhắn tin mượn tiền hay mượn card điện thoại là rất cao, do đó nên xác thực lại trước khi tiến hành cho mượn tiền trên mạng.

Theo chuyên gia Marketing: “Trước đây các Fanpage dễ bị chiếm quyền, tuy nhiên thời gian gần đây Facebook đã cập nhật tính năng ‘xét duyệt khi gỡ bỏ quyền quản trị viên’ do đó khó để chiếm đoạt hơn. Hiện tại, các Group đang được những đối tượng lừa đảo nhắm đến nhiều hơn. Đồng thời giá bán của các Group cũng cao hơn so với giá các Fanpage, do đó mọi người nên cảnh giác và nếu có nhu cầu mua/bán Fanpage hoặc Group thì nên trực tiếp giao dịch, tuyệt đối không giao dịch trên mạng xã hội”.

Thời gian dịch bệnh COVID này cũng là thời điểm “nở rộ” các hình thức lừa đảo thông qua mạng xã hội, do đó người dùng nên nêu cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội facebook. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc điều tra, phát hiện các đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống